LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG VỀ QUY ĐỊNH CHỨNG CỨ, CHỨNG MINH TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH NĂM 2010 - Thẩm Phán 13 Lớp B (thamphan13) /* Menu Horizontal top*/

Tạo banner chạy dọc hai bên

hinhlop1

hinhlop


Download Hình

Tiện ích bài đăng có ảnh thumbnail chạy ngang

LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG VỀ QUY ĐỊNH CHỨNG CỨ, CHỨNG MINH TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH NĂM 2010

bookmark and share |

Bài đăng ngày:11 thg 8, 2012


Nguyễn Thị Thu Hương*
Khoa Đào tạo thẩm phán - Học viện Tư pháp

Cũng như các văn bản pháp luật tố tụng hình sự và dân sự, quy định về chứng cứ, chứng minh chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống các quy định về tố tụng hành chính, bởi đây là những quy định thể hiện bản chất của tố tụng hành chính và tính dân chủ trong hoạt động tố tụng hành chính, là cơ sở cho mọi hoạt động tố tụng để giải quyết vụ án hành chính có hiệu quả. Nội dung của các quy định về chứng cứ, chứng minh thể hiện ý chí của nhà làm luật, dựa trên quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và bị chi phối bởi nguyên tắc chung về chứng cứ, chứng minh. Các quy định về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính lần đầu tiên được ghi nhận trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2006. Các quy định này tiếp tục được pháp điển hoá trong Luật Tố tụng hành chính năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Việc pháp điển các quy định về thủ tục tố tụng nói chung và quy định về chứng cứ, chứng minh trong Luật Tố tụng hành chính năm 2010 là hết sức cần thiết. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao, điều chỉnh một cách đầy đủ, toàn diện các quan hệ tố tụng trong giải quyết khiếu kiện hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quản lý xã hội, quản lý nhà nước bằng pháp luật và tăng cường bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

1.Quy định về chứng cứ chứng minh trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có hiệu lực từ ngày 01/7/1996, sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2006, là những quy định chung có tính nguyên tắc, là cơ sở pháp lý giúp cho các bên đương sự và toà án tiến hành hoạt động thu thập, đánh giá chứng cứ, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng vụ án hành chính như: Điều 5 quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh của đương sự; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác và trách nhiệm của toà án; Điều 20 quy định về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong đó có quyền cung cấp chứng cứ; Điều 30 quy định về đơn kiện và thời điểm xuất trình tài liệu chứng cứ lần đầu của người khởi kiện; Điều 37 quy định về thông báo thụ lý và thời hạn xuất trình chứng cứ lần đầu của người bị kiện; Điều 38 quy định các biện pháp thu thập chứng cứ; Điều 45 về hoãn phiên toà khi cần xác minh thu thập chứng cứ bổ sung; Điều 59 quy định về xuất trình chứng cứ tại giai đoạn xét xử phúc thẩm. Qua hai lần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh, trong các điều trên chỉ có Điều 5 được sửa đổi về kỹ thuật câu, từ và quy định bổ sung thêm các tài liệu, trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, tổ chức, cơ quan cũng như vai trò của toà án trong việc thu thập chứng cứ. Nhìn chung, các quy định về chứng cứ, chứng minh của Pháp lệnh còn chưa cụ thể thiếu tính minh bạch rõ ràng và chính xác. Mặt khác trong nội dung của hai Nghị quyết số 03/2003/NQ-HĐTP ngày18/2/3003 và Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 thi hành Pháp lệnh cũng không có hướng dẫn giải thích quy định về chứng cứ, chứng minh. Nhiều vướng mắc về chứng cứ, chứng minh, về trách nhiệm và điều kiện áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ trong xét xử vụ án hành chính phải dựa vào hướng dẫn giải thích tại Nghị quyết 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về “chứng cứ và chứng minh”. Chính vì vậy đã làm cho nhận thức và áp dụng các quy định của Pháp lệnh để giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian qua còn tuỳ tiện, thiếu thống nhất. Không ít vụ án người khởi kiện phát hiện chứng cứ nhưng không đủ điều kiện để thu thập được, ngoại trừ việc “cầu viện” toà án. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ nhưng cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ. Việc thu thập chứng cứ của đương sự, toà án từ phía các cơ quan, tổ chức gặp không ít khó khăn do việc chậm trả lời, trả lời không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng. Do pháp luật không quy định thời hạn giao nộp chứng cứ nên đương sự thường chọn giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính để xuất trình chứng cứ. Số vụ việc phải phúc thẩm ngày càng gia tăng, gánh nặng thu thập chứng cứ của vụ án hành chính luôn “đè nặng” lên vai toà án, mà chưa có biện pháp gì để khắc phục. Về phía toà án chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm chứng minh của mình, tuyệt đối hoá vai trò chứng minh của đương sự hoặc dễ dàng thoả mãn với các tài liệu của đương sự xuất trình. Hệ quả là nhiều vụ án phải kéo dài vi phạm thời hạn xét xử, thậm chí bị sửa, huỷ vì thiếu chứng cứ hoặc đánh giá chứng cứ không chính xác. Nên chất lượng và hiệu quả xét xử các vụ án hành chính của toà án còn thấp. Thực trạng trên là một trong nhiều nguyên nhân đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính nói chung, trong đó có các quy định về chứng cứ, chứng minh.
2. Quy định về chứng cứ, chứng minh trong Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thể hiện mục tiêu chung hoàn thiện hệ thống các thủ tục tố tụng tư pháp toàn diện, đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, chính xác; đề cao nhân tố con người trong mối quan hệ với cơ quan tư pháp; đề cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Phạm vi điều chỉnh các vấn đề về chứng cứ, chứng minh được quy định trong Luật Tố tụng hành chính năm 2010 khá đầy đủ, toàn diện và chi tiết, phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta và tính đặc thù của tranh chấp hành chính. Các quy định về chứng cứ, chứng minh được xây dựng đảm bảo nguyên tắc: sự bình đẳng và cơ hội trong việc thu được và xuất trình chứng cứ cho toà án; tính hiệu quả bởi các thủ tục này của toà án cũng như các bên trong vụ kiện; bảo đảm xác định sự thật của vụ án. Mục đích của thủ tục này là: chứng cứ được cung cấp cho toà án đúng thời hạn; đảm bảo điều kiện cho mỗi bên đương sự cơ hội để thu được và sau đó xuất trình chứng cứ cần thiết cho toà án để chứng minh cho vụ kiện của họ; đảm bảo điều kiện cho mỗi bên đương sự cơ hội biết về chứng cứ của bên đương sự đối kháng và của toà án; đảm bảo điều kiện cho mỗi bên đương sự cơ hội cung cấp chứng cứ trả lời lại chứng cứ của bên đối kháng. Toà án chủ động trong quá trình chứng minh vụ án hành chính. Cụ thể, Luật đã xây dựng thành hai nguyên tắc tại Điều 8 và Điều 9 trong Phần chung. Trên cơ sở hai nguyên tắc này, các vấn đề về chứng cứ, chứng minh được cụ thể hoá trong nhiều điều khác nhau về các giai đoạn tố tụng. Đặc biệt chế định về chứng cứ, chứng minh tại chương VI gồm 20 điều (từ Điều 72-Điều 91), phạm vi điều chỉnh của chế định này gồm có những nội dung như: quy định về nghĩa vụ chứng minh, những tình tiết không phải chứng minh; định nghĩa chứng cứ; nguồn chứng cứ; xác định chứng cứ; giao nộp chứng cứ, thu thập; bảo quản và đánh giá chứng cứ.. Trên cơ sở quy định về nguyên tắc, Luật dành hẳn một chương riêng về chứng cứ, chứng minh khẳng định tầm quan trọng của nội dung này. Như vậy, các khái niệm và nguyên tắc cơ bản về chứng cứ, chứng minh; nghĩa vụ và tiêu chuẩn chứng minh; nguyên tắc, thủ tục về thu thập và đánh giá chứng cứ. Đây là những nội dung cốt lõi nhất, những vấn đề mới lần đầu tiên được nghiên cứu đưa vào quy định đầy đủ, chi tiết trong Luật Tố Tụng hành chính năm 2010. Các quy định này là bước tiến vượt bậc, đánh dấu sự phát triển của hệ thống pháp luật tố tụng ở nước ta. Sau đây là những điểm mới cụ thể về chứng cứ, chứng minh của Luật Tố tụng hành chính năm 2010:
Thứ nhất, về các nguyên tắc cơ bản, Luật Tố tụng hành chính đã xây dựng thành hai nguyên tắc tại Điều 8 và Điều 9 quy định về cung cấp chứng cứ, chứng minh. Đây là quy định mới cơ bản nhất về cung cấp chứng cứ, chứng minh mang tính chỉ đạo và được ghi nhận trong các quy phạm luật tố tụng hành chính, thể hiện bản chất tố tụng hành chính và xác định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm cho việc tiến hành giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục thống nhất. Hai nguyên tắc này được thể hiện ở mức độ khác nhau trong các giai đoạn tố tụng.
Theo Điều 8. (Cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính) Đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Tòa án tiến hành xác minh thu thập chứng cứ trong những trường hợp do luật này quy định.
Nội dung của nguyên tắc này thể hiện: Đương sự có yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ chứng minh. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh, nếu không đưa ra được chứng cứ hoặc không đầy đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Nguyên tắc “đối tụng” của các bên đương sự trong tố tụng hành chính cũng như tố tụng dân sự là yếu tố an toàn nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ, đồng thời thông qua đó giúp toà án có điều kiện hiểu rõ hơn nội tình của vụ án. Theo nguyên tắc này, cung cấp chứng cứ, chứng minh vừa là quyền đồng thời là nghĩa vụ. Đây là cơ sở để thực hiện chế tài khi các bên không thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình trước toà án.
Về trách nhiệm của toà án trong việc thu thập chứng cứ, Luật Tố tụng hành chính quy định vừa bảo đảm nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong việc đưa ra yêu cầu và chứng cứ chứng minh, vừa quy định toà án có trách nhiệm chủ động kiểm soát hồ sơ và áp dụng mọi biện pháp thu thập chứng cứ để đảm bảo tính khách quan trong xét xử của vụ án. Mục đích của quy định này là nhằm khắc phục sự bất bình đẳng trong tranh tụng hành chính, vì đối tượng khiếu kiện trong vụ án hành chính chủ yếu là quyết định hành chính, hành vi hành chính. Đây là sản phẩm hoạt động tác nghiệp của cơ quan nhà nước được thực hiện trên cơ sở các thông tin và quy định của pháp luật. Khi tham gia tranh tụng, cơ quan nhà nước bên bị kiện sẽ có điều kiện thu thập, xuất trình chứng cứ để bảo vệ quyết định, hành vi hành chính của mình trước tòa án. Trong khi đó, quyền tiếp cận các thông tin liên quan của người dân (bên khởi kiện) còn rất hạn chế, bởi người dân chỉ có thể sử dụng các nguồn thông tin công khai hoặc các thông tin do từ phía cơ quan nhà nước cung cấp và kiểm soát. Như vậy, lập lại thế cân bằng là trách nhiệm của toà án trong tranh tụng vụ án hành chính. Đây là một quy định mới so với Pháp lệnh, cũng như khác với quy định về trách nhiệm của toà án trong Bộ luật Tố tụng dân sự: “Toà án chỉ xác minh thu thập chứng cứ trong những trường hợp do luật tố tụng dân sự quy định
Để đương sự có thể thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp chứng cứ, chứng minh, Điều 9 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp chứng cứ cho đương sự, Toà án, Viện kiểm sát như sau:
Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Toà án, Viện kiểm sát tài liệu chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Toà án, Viện kiểm sát, trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Toà án, Viện kiểm sát biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu chứng cứ”.
Nguyên tắc này đã quy định bổ sung, ngoài đương sự, Toà án thì Viện kiểm sát cũng là một trong chủ thể có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ. Quy định mới này có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật về cung cấp chứng cứ của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, góp phần cùng Toà án giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện hành chính.
Thứ hai, về các khái niệm liên quan đến chứng cứ:
Luật Tố tụng hành chính đã đưa ra định nghĩa về chứng cứ tại (Điều 72). Đây là quy định quan trọng được sử dụng để chứng minh sự tồn tại hay không tồn tại các sự kiện liên quan đến vụ án hành chính. Cũng như lý luận tố tụng nói chung, định nghĩa về chứng cứ trong luật tố tụng hành chính thể hiện ba đặc trưng của chứng cứ đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ. Từ định nghĩa chứng cứ và các quy định khác liên quan về chứng cứ, thì trong Luật Tố tụng hành chính chứng cứ có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau: chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp, chứng cứ viết, chứng cứ miệng. Chứng cứ tài liệu trực tiếp là bản gốc hoặc bản sao tài liệu đó. Chứng cứ nhân chứng trực tiếp là chứng cứ từ người được chứng kiến hoặc trải qua sự kiện đó. Để phân biệt chứng cứ với nguồn chứa đựng chứng cứ, Điều 75 quy định nguồn chứng cứ trong tố tụng hành chính gồm có: các tài liệu đọc được; nghe được; nhìn được; các vật chứng; lời khai đương sự, người làm chứng; kết luận giám định; biên bản thẩm định; kết quả thẩm định, định giá. Điều 76 quy định về xác định chứng cứ, giúp cho toà án đánh giá tài liệu có giá trị xác thực hay giả mạo. Ngoài các nội dung cơ bản khác liên quan đến chứng cứ, Luật còn có các quy định về đánh giá chứng cứ, công bố và sử dụng chứng chứng cứ; bảo quản chứng cứ và bảo vệ chứng cứ tại các Điều 88, 89,90 và 91. Đây là những quy định mới có ý nghĩa cho việc bảo toàn nguyên vẹn giá trị chứng minh của chứng cứ và nguyên tắc trong việc đánh giá sử dụng một cách minh bạch hiệu quả các chứng cứ vào bất cứ thời điểm nào khi có yêu cầu của chủ thể chứng minh trong vụ án.
Như vậy, Luật đã xuất phát từ định nghĩa về chứng cứ từ đó xác định các quy phạm khác của chế định chứng cứ, chứng minh như: nghĩa vụ chứng minh; những tình tiết không phải chứng minh; thu thập xuất trình tài liệu, đánh giá chứng cứ…Các quy định về chứng cứ sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện những quy định khác trong Luật Tố tụng hành chính.
Thứ ba, về nghĩa vụ chứng minh:
Chứng minh là hoạt động của các chủ thể tố tụng trong việc làm rõ các tình tiết sự kiện của vụ án. Xác định rõ nghĩa vụ chứng minh của các chủ thểgóp phần bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ án. Trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính nghĩa vụ chứng minh trước tiên thuộc về đương sự, bởi đương sự là người có quyền lợi thiết thực. Hơn ai hết, họ phải biết rõ các thông tin về sự kiện liên quan vụ án và để chứng minh cho quyền lợi của mình, họ phải đưa ra được chứng cứ. Luật Tố tụng hành chính năm 2010 tại Điều 49 quy quyền và nghĩa vụ của các đương sự:
1. “Cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh và bảo vệ quyền lợi của mình
2. Được biết, đọc, ghi chép, sao chụp và xem các tài liệu chứng cứ do các đương sự khác cung cấp hoặc do toà án thu thập
3. Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đang lưu giữ quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình
4. Đề nghị toà án xác minh thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị toà án triệu tập người làm chứng; trưng cầu giám định; định giá tài sản; thẩm định giá tài sản”.
Quy định nêu trên giúp cho đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh, tạo điều kiện cho đương sự chủ động thu thập được tài liệu cần thiết để xuất trình cho toà án, loại trừ tình trạng ỷ lại toà án của các đương sự và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động chứng minh của các chủ thể tố tụng. Với quy định trên, tài liệu trong hồ sơ vụ án sẽ được xác định rõ gồm: tài liệu từ nguồn có sẵn đối với mỗi bên đương sự; tài liệu thuộc sở hữu của bên đương sự đối lập; tài liệu do toà án thu thập. Điều này mang lại lợi ích không chỉ cho các bên đương sự mà cả toà án trong việc dễ dàng phát hiện chứng cứ bổ sung, bảo quản, đánh giá sử dụng chứng cứ một cách hiệu quả và khoa học.
Pháp luật tố tụng nói chung và Luật Tố tụng hành chính nói riêng đang có xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn các quy định về cơ chế hoạt động bổ trợ tư pháp. Trong đó người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự có vai trò quan trọng. Quyền và nghĩa vụ chứng minh của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được xác lập trên cơ sở quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Để người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện đúng chức năng của mình là trợ giúp các đương sự trong việc chứng minh quyền lợi, Điều 55, khoản 4 điểm b Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền và nghĩa vụ: “xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Nếu như trong Pháp lệnh TTGQCVAHC hoạt động thu thập, xác minh chứng cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự chưa được quy định rõ, thì nay Luật đã liệt kê các hoạt động thu thập chứng cứ họ.
Với tư cách là chủ thể đưa ra các phán quyết về vụ án, toà án phải làm sáng tỏ các nội dung cần chứng minh của vụ án trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp và do tự mình thu thập. Hoạt động chứng minh của toà án thực chất là việc kiểm tra xác minh tính xác thực của các tài liệum, chứng cứ do các bên đương sự xuất trình thông qua áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ.
Thứ tư, về thu thập chứng cứ:
Để có chứng cứ chứng minh cho vụ án trước hết các chủ thể phải thu thập nó. Vì vậy, thu thập chứng cứ là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình chứng minh. Hoạt động thu thập chứng cứ bao gồm các khâu từ phát hiện tài liệu chứng cứ đến việc áp dụng các biện pháp thu thập, thu nhận, bảo quản, đánh giá chứng cứ. Các nội dung trên theo Pháp lệnh được quy định tại Điều 38, nay Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã pháp điển hoá đầy đủ cụ thể từ Điều 78 đến Điều 89. Tương ứng với chủ thể tố tụng có nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hành chính. Luật quy định ngoài đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tiến hành thu thập chứng cứ, Toà án có trách nhiệm thu thập chứng cứ khi xét thấy cần thiết, hoặc trong trường hợp có yêu cầu của đương sự và Viện kiểm sát. Viện kiểm sát thu thập chứng cứ khi thực hiện quyền kháng nghị của mình đối với vụ án hành chính.
Kế thừa quy định của Pháp lệnh, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 tiếp tục ghi nhận các biện pháp thu thập chứng cứ và có bổ sung thêm một số biện pháp thu thập chứng cứ mới với nội dung đầy đủ hơn gồm: lấy lời khai đương sự, nhân chứng; đối chất; xem xét thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định; định giá tài sản, thẩm định giá; uỷ thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ. Các biện pháp thu thập chứng cứ trong Luật đã được quy định đầy đủ hơn về các nội dung liên quan như căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục thực hiện. Việc quy định chi tiết, rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch thủ tục các biện pháp thu thập chứng cứ sẽ tạo điều kịên cao việc giám sát hoạt động tố tụng của toà án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh được tình trạng tuỳ tiện, lạm quyền, vi phạm thủ tục trong hoạt động thu thập chứng cứ của toà án.
Thứ năm, về trình tự xuất trình chứng cứ:
Xác định đúng nghĩa vụ chứng minh là cần thiết, nhưng kết quả chứng minh còn phụ thuộc vào khả năng điều kiện thu thập cũng như thủ tục tiếp nhận chứng cứ của các bên và toà án trong vụ kiện. Xuất phát từ nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong việc đưa ra yêu cầu và chứng cứ, chứng minh thì việc xuất trình tài liệu chứng cứ thuộc quyền định đoạt của đương sự và có thể thực hiện ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào. Kế thừa quy định của Pháp lệnh về trình tự xuất trình tài liệu, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định thời điểm xuất trình tài liệu lần đầu đối người khởi kiện tại Điều 105: “kèm theo đơn kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp”. Tài liệu ban đầu của người khởi kiện bắt buộc phải xuất trình gồm:
quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi viêc; quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc canh tranh; quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), các tài liệu khác. Các điều 113, 114, 115 quy định về thủ tục thông báo thụ lý để yêu cầu người bị kiện nộp văn bản giải trình và tài liệu ban đầu gồm: “người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có); và bản sao các văn bản tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính; quyết định kỷ luật buộc thôi việc;quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc canh tranh hoặc có hành vi hành chính”.
Như vậy, tại thời điểm xuất trình tài liệu chứng cứ lần đầu Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có ấn định thời hạn cụ thể và đưa ra chế tài đối với việc không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ chứng cứ của đương sự. Quy định này phản ánh nguyên tắc các bên đương sự đều phải quan tâm với các chứng cứ sẽ chứng minh quyền lợi cho mình trong vụ kiện. Toà án thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ khi các bên không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ tài liệu (có lý do chính đáng). Theo nguyên tắc tố tụng, trên cơ sở tài liệu do các bên đương sự xuất trình lần đầu, Toà án thiết lập các sự kiện của vụ án bằng tất cả biện pháp thích hợp. Điều 78 quy định: “nếu xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để giải quyết thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ.” Pháp lệnh quy định hoạt động yêu cầu xuất trình tài liệu bổ sung (vòng hai) là một biện pháp thu thập chứng cứ của Toà án, thì Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định hoạt động này là bước tiếp theo trong quy trình xuất trình tài liệu chứng cứ của đương sự. Luật không quy định các đương sự có quyền phát hiện và đưa ra yêu cầu đối với bên đương sự khác trong vụ án phải xuất trình tài liệu bổ sung cho toà án. Các đương sự chỉ có quyền được biết, đọc, ghi chép, sao chụp và xem các tài liệu chứng cứ do các đương sự khác cung cấp hoặc do toà án thu thập. Thẩm quyền yêu cầu các bên đương sự và bên thứ ba ngoài tố tụng xuất trình tài liệu bổ sung thuộc về toà án. Quy định này cho phép toà án đưa ra yêu cầu cụ thể các tài liệu mà toà án cho rằng có liên quan và có ý nghĩa quan trọng đối với việc xét xử của vụ án, giúp cho toà án chủ động đốc thúc vụ kiện đúng thời hạn xét xử, giảm thiểu những chi phí không cần thiết cho các bên đương sự cũng như toà án trong hoạt động thu thập chứng cứ.
Việc xuất trình tài liệu bổ sung, Luật không quy định về thời điểm và thời gian cụ thể đối với mỗi giai đoạn tố tụng. Đây là quy định đảm bảo tính linh hoạt tối đa cũng như sự bình đẳng cho các bên đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong tranh tụng hành chính; đồng thời giúp cho toà án có đủ chứng cứ để giải quyết đúng đắn vụ án. Vì mỗi vụ án hành chính cụ thể sẽ có mức độ phức tạp khác nhau về xuất trình tài liệu chứng cứ. Điều 189 và Điều 201 của Luật quy định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, thời điểm xuất trình tài liệu, chứng cứ bổ sung được thực hiện tại phiên toà phúc thẩm. Toà án có thể hoãn phiên toà phúc thẩm để xác minh thu thập chứng cứ bổ sung. Quy định nêu trên là một điểm khác biệt giữa tố tụng hành chính và tố tụng dân sự về thời điểm xuất trình tài liệu bổ sung. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, tài liệu bổ sung chỉ được xuất trình tại thời điểm nộp kèm theo đơn kháng cáo.
Có thể nói, xuất trình tài liệu chứng cứ vừa là quyền nhưng đồng thời là nghĩa vụ của các đương sự trong việc làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Các quy định trên thể hiện rõ Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã tạo cơ hội tối đa cho các đương sự xuất trình được chứng cứ mà mình có, bảo đảm sự chính xác của nguồn chứng cứ và thực hiện nguyên tắc toà án xác định sự thật của vụ án khi có đủ tài liệu chứng cứ.
Từ phân tích trên cho thấy, chứng cứ, chứng minh là nội dung quan trọng và phức tạp đã được hoàn thiện trong Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Sự hoàn thiện và phát triển của Luật Tố tụng hành chính nói chung, của chế định chứng cứ, chứng minh nói riêng phản ánh nhà lập pháp và toà án đã bắt đầu quan tâm đúng mức hơn đến yêu cầu đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát hoạt động hành chính, cũng như tính thực chất của công tác bảo vệ quyền của người dân. Một đạo luật tốt là điều rất quan trọng, song những quy định của Luật có đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực cao hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy và đội ngũ công chức thực thi pháp luật. Hy vọng trong thời gian tới, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 sẽ tạo được bước chuyển biến về chất đối với hoạt động xét xử các vụ án hành chính của toà án./.

Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn

Nội quy! Đóng lại Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!
More →
Chữ đậm Chữ nghiêng Chữ nghiêng 2 Chèn Link Chèn Link Mã hóa code Help ?Nhấn vào biểu tượng hoặc kiểu chữ hoặc chèn link sau đó nhấn nút Chọn rồi copy (Ctrl + C) để paste (Ctrl + V) vào khung viết bình luận. Mã hóa code nếu bạn muốn đưa code vào bình luận.

Chọn Xóa

nhãn totunghinhsu

THÔNG TIN TỐ TỤNG HÌNH SỰ