Chuyên đề 7: MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT KINH NGHIỆM VỀ TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ QUA CÔNG TÁC GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM
Bài đăng ngày:29 thg 5, 2013
I.
KHÁI QUÁT VỀ TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHÚ Ý VỀ NHỮNG
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
1.
Khái quát chung về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
1.1. Khái niệm:
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại nền kinh tế quốc dân, gây thiệt
hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và của công dân qua
việc vi phạm qui định của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
1.2. Các đặc trưng chung:
-
Khách thể của tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xâm hại chế
độ quản lý, điều hành nền kinh tế Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp
của công dân.
- Mặt
khách quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
thể hiện ở các hành vi cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước bằng nhiều loại
hành vi khác nhau.
Đa số các tội xâm phạm trật tự quản lý
kinh tế có cấu thành tội phạm hình thức. Một số tội, hậu quả nghiêm trọng là dấu
hiệu bắt buộc. Ví dụ như Điều 165 Bộ luật hình sự (BLHS).
- Chủ
thể của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Người thực hiện các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh
tế có thể là bất kỳ ai đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực
trách nhiệm hình sự.
- Mặt
chủ quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp.
1.3. Các tội phạm cụ thể:
1.3.1. Tội buôn lậu (Điều 153 BLHS)
- Dấu
hiệu pháp lý: Khách thể của
tội phạm này là sự xâm phạm chính sách quản lý nội thương và ngoại thương. Mặt
khách quan của tội phạm được đặc
trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi khách
quan là hành vi buôn bán hàng hoá qua biên giới quốc
gia trái phép.
+ Địa điểm phạm tội qua
biên giới quốc gia là dấu hiệu bắt buộc.
+ Đối tượng tác động của tội phạm thuộc 3 nhóm sau: Hàng
cấm phải có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi
từ Điều 153 đến Điều 161, hoặc đã bị kết án về một trong những tội này nhưng
chưa được xoá án tích (Hàng cấm là đối tượng tác động của Điều 153 trừ các mặt
hàng cấm đã quy định thành các tội độc lập như ma tuý, vũ khí quân dụng... vì
các loại tài sản này đã được quy định thành các tội danh độc lập); vật phẩm thuộc
di tích lịch sử văn hoá; hàng hoá khác phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở
lên (Nếu dưới 100 triệu đồng thì phải thoả mãn 1 trong 2 điều kiện: Đã bị xử phạt hành chính về 1 trong những hành vi được
quy định từ Điều 153 đến Điều 161; hoặc đã bị kết án về một trong những tội này
nhưng chưa được xoá án tích).
+
Chủ thể của tội phạm là
bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.
+
Mặt chủ quan của tội
phạm lỗi cố ý trực tiếp.
- Hình
phạt: Các
tình tiết định khung hàng cấm có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lời bất
chính lớn, chưa được hướng dẫn cụ thể, do đối tượng tác động của tội buôn lậu rất
rộng, đa dạng. Mới chỉ có hướng dẫn về một số mặt hàng như thuốc lá ngoại, thuốc
pháo…
1.3.2.
Tội vận chuyển trái phép hàng
hoá tiền tệ qua biến giới (Điều 154
BLHS).
Các
dấu hiệu pháp lý và các tình tiết định khung giống điều 153 BLHS, chỉ khác điều
153 BLHS, ở hành vi khách quan đó là hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền
tệ qua biến giới.
1.3.3.
Tội sản xuất, tàng trữ, vận
chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155
BLHS)
- Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế
của Nhà nước.
- Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai
có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Mặt chủ quan của tội phạm là
lỗi cố ý trực tiếp.
- Mặt khách
quan của tội phạm đặc trưng bởi các dấu hiệu sau: Hành vi khách quan được thực hiện bởi một trong bốn loại hành vi:
Hành vi sản xuất hàng cấm; hành vi tàng trữ hàng cấm; hành vi vận chuyển hàng cấm;
hành vi buôn bán hàng cấm.
- Đối tượng tác động của tội phạm là hàng cấm có
số lượng lớn (trừ các mặt hàng cấm là ma tuý, động vật, thực vật rừng quý hiếm,
vũ khí quân dụng...).
Danh
mục các mặt hàng cấm theo Nghị định số 11/CP của Chính Phủ ban hành ngày
3/3/1999, đó là: Vật thuộc di tích lịch sử văn hoá; sản phẩm văn hoá phản động
đồi truỵ, mê tín dị đoan; thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài; thuốc chữa bệnh,
dụng cụ y học chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; đồ chơi trẻ em có hại tới
giáo dục, nhân cách, sức khoẻ trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội;
pháo nổ, thuốc pháo.
Theo
hướng dẫn tại Công văn số 81/2002 ngày 10/6/2002 của Chánh án TANDTC thì hàng cấm
là thuốc lá ngoại: từ 1.500 đến 4.500 bao là số lượng lớn, từ 4.500 đến 13.500
bao là số lượng rất lớn và từ 13.500 bao trở lên là số lượng đặc biệt lớn.
Thông
tư 01/96/BNV-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/01/1996 hướng dẫn định lượng thuốc pháo và
pháo nổ. Nếu hàng cấm có số lượng chưa lớn phải thoả mãn một trong ba điều kiện:
Thu lời bất chính lớn; đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được
quy định từ Điều 153 BLHS đến Điều 161 BLHS; đã bị kết án về một trong những tội
này nhưng chưa được xoá án tích.
1.3.4. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều
156 BLHS)
- Khách thể của tội phạm là
sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.
- Chủ thể của tội phạm là
bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Mặt chủ quan của tội phạm là
lỗi cố ý trực tiếp.
- Mặt khách quan của
tội phạm đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+
Hành vi khách quan được thực hiện bằng một trong hai loại
hành vi: Hành vi sản xuất hàng giả; hành vi buôn bán
hàng giả.
+
Đối tượng tác động của tội phạm là hàng giả. Có 2 loại hàng giả là hàng giả về nội dung và
hàng giả về hình thức:
Hàng
giả về hình thức: Là loại hàng có đảm bảo về giá trị sử dụng nhưng nó mang nhãn
hiệu của một cơ sở sản xuất khác. Đối với người sản xuất buôn bán hàng giả về
hình thức bị xử lý về Điều 171 BLHS.
Hàng
giả về nội dung: Là loại hàng hoá mà mức chất lượng thực tế thấp hơn mức tối
thiểu mà Nhà nước quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, hoặc hàng hoá có
giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên của nó. Hàng giả về
nội dung là đối tượng tác động của tội này (Xem Công
văn số 36, ngày 2/5/91 TANDTC và Thông tư số 10/2000/TTLT - BTC - BCA -
BKHCN&MT ngày 25/4/2000 của Bộ thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ
Khoa học công nghệ và môi trường).
Chú ý: Nếu
một người có hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm,
thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì cấu thành tội sản xuất hoặc buôn bán hàng
giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo Điều 157
BLHS và tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân
bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi theo Điều
158 BLHS với các mức hình phạt nặng hơn. Nếu sản xuất, buôn bán hàng giả là
nguyên vật liệu xây dựng thì xử lý theo Điều 156 BLHS.
1.3.5. Tội đầu cơ (Điều
160 BLHS)
- Khách thể của tội
phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của
Nhà nước.
- Chủ thể của tội phạm là
bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Mặt chủ quan của tội phạm là
lỗi cố ý trực tiếp.
- Mặt khách
quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi
khách quan là hành vi mua vét hàng
hoá tiêu dùng thiết yếu trong đời sống hàng ngày như lương thực, xăng dầu với số
lượng lớn.. Mua vét được hiểu là có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, vượt ngoài nhu
cầu tiêu dùng nhằm mục đích bán lại để kiếm lời.
+Thủ đoạn phạm tội thể
hiện ở một trong hai dạng: Lợi dụng tình hình
khan hiếm (Thực tế trên thị trường mặt hàng kẻ phạm tội đầu tư thực sự không
đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng) và tạo ra sự khan hiếm giả tạo (Thực tế mặt hàng
đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nhưng can phạm đã tung tin thất thiệt làm người
tiêu dùng lầm tưởng hàng hoá khan hiếm mà bỏ tiền mua hàng của họ với giá cao
hơn).
+ Hoàn cảnh phạm tội hành
vi trên chỉ cấu thành tội phạm nếu thực hiện trong hoàn cảnh có thiên tai, dịch
bệnh hoặc chiến tranh.
1.3.6.
Tội cố ý làm trái quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều
165 BLHS)
- Khách thể của tội phạm là
sự xâm phạm chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.
- Chủ thể của tội phạm là
người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Ví dụ: Thủ trưởng cơ quan,
chánh văn phòng, trưởng phòng tài vụ, kế toán.
- Mặt chủ quan của tội phạm lỗi
cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp, có thể là lỗi cố ý gián tiếp.
- Mặt khách quan của tội phạm được
đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
+ Hành vi
khách quan là hành vi làm trái (tức là làm không đúng
không đầy đủ) các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
+ Hậu quả của tội
phạm là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Cụ
thể là phải gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên hoặc
dưới 100 triệu đồng phải thoả mãn đồng thời 2 điều kiện: Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm và
gây hậu quả nghiêm trọng khác như: làm hư hỏng cán bộ, lũng đoạn tổ chức, ảnh
hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, công nhân bị thất nghiệp làm ảnh hưởng
nghiêm trọng đến đời sống của cán bộ, công nhân của cơ quan, công ty.
2. Một
số vấn đề chú ý về những sửa đổi, bổ sung các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh
tế.
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
có đặc thù riêng, phụ thuộc vào chính sách kinh tế của đất nước trong từng thời
kỳ, một hành vi trong giai đoạn này có thể bị coi là xâm phạm trật tự quản lý
kinh tế nhưng giai đoạn khác lại không phải là tội phạm và ngược lại. Vì vậy,
việc hoàn thiện Bộ luật hình sự cũng như hướng dẫn, giải thích các quy định về
các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có
tính thay đổi và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đất nước.
Việc hướng dẫn, giải thích quy định của Bộ
luật tố tụng hình sự về tình tiết định tội, định khung trong các tội xâm phạm
trật tự quản lý kinh tế là yêu cầu cần thiết giúp cho những người tiến hành tố
tụng xác định tội danh và áp dụng pháp luật chính xác tránh những sai lầm dẫn đến
việc phải hủy bản án.
Bộ luật hình sự chỉ quy định những dấu hiệu
đặc trưng của tội phạm còn hành vi cụ thể xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nào,
do ai quy định lại phải căn cứ vào các văn bản của nhà nước thuộc lĩnh vực quản
lý kinh tế mới xác định được. Vì thế, ngoài việc áp dụng Bộ luật hình sự thì cần
có sự thống nhất với các luật chuyên ngành như: Luật thuế, Luật ngân sách Nhà
nước và các văn bản hướng dẫn.
Vì vậy, BLHS năm 2009 đã có những sửa đổi, bổ sung phần
các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cho phù hợp.
2.1. Những sửa đổi, bổ sung các tội phạm đã được
quy định trong BLHS năm 1999 gồm:
a) Bỏ hình phạt tử hình và sửa đổi cụm từ “hai
mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình” thành cụm từ “hai mươi năm hoặc tù chung thân”
tại khoản 4 Điều 153, khoản 3 Điều 180 BLHS.
b) Sửa đổi tăng
loại hình phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 Điều 160 của Tội đầu cơ lên
từ “hai mươi triệu đồng đến hai trăm
triệu đồng” (BLHS năm 1999 quy định phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm
mươi triệu đồng).
c) Sửa đổi giá trị số tiền trốn thuế trong cấu thành
tội phạm và cấu thành tăng nặng tại Điều 161 BLHS về Tội trốn thuế như sau:
- Sửa
đổi khoản 1: Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba
trăm triệu đồng (BLHS 1999 quy định từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu
đồng) hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi
trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại
các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230,
232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì
bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không
giam giữ đến hai năm.
- Sửa
đổi khoản 2: Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm
triệu đồng (BLHS năm 1999 quy định từ 150 đến dưới 500 triệu đồng) hoặc
tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế
hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Sửa
đổi khoản 3: Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng (BLHS
năm 1999 quy định từ 500 triệu đồng) trở
lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm
đến bảy năm.
d) Sửa
đổi, bổ sung Điều 171 về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau:
- Sửa
đổi cơ bản dấu hiệu cấu thành tội phạm và nâng mức hình phạt tiền là hình phạt
chính tại khoản 1 lên từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng (Bỏ quy định dấu hiệu
hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã
bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích mới được coi là phạm tội của Điều
171 BLHS năm 1999).
- Bổ
sung hình phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 2 với mức phạt tiền từ bốn
trăm triệu đồng đến một tỷ đồng và bỏ điểm c tình tiết định khung tăng nặng gây
hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Tăng
mức phạt tiền bổ sung tại khoản 3 lên từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu
đồng (BLHS năm 1999 quy định từ 10 triệu đến 100 triệu đồng).
đ) Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174 BLHS) được
sửa đổi bổ sung toàn diện phần các dấu hiệu cấu thành tội phạm, cấu thành tăng
nặng và bổ sung thêm một khung hình phạt cũng như tăng mức phạt tiền bổ sung.
Cụ thể như sau:
“1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ,
quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép
chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau
đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng
đến ba năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,
thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Đất có diện tích rất lớn hoặc có giá trị rất lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,
thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Đất có diện tích đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc
biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười
triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Khi xét xử tội
phạm này cần chú ý phân biệt với dấu hiệu cấu thành của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”
(Điều 285 BLHS) và tội “cố ý làm trái
quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều
165 BLHS) dẫn đến nhầm lẫn trong việc xác định tội danh.
2.2. Bổ sung một số loại tội
phạm mới
2.2.1.
Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà
nước (Điều 164a).
“1. Người nào in, phát hành, mua bán trái
phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị
xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá
án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm
triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hoá đơn, chứng từ có số lượng rất lớn
hoặc đặc biệt lớn;
đ) Thu lợi bất chính lớn;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền
từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
2.2.2.
Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách
nhà nước (Điều 164b)
1. Người nào có trách nhiệm bảo quản, quản
lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước mà vi phạm quy định của Nhà
nước về bảo quản, quản lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gây hậu
quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi này
hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt
tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai
năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc
biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm
nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Khi
xét xử các hành vi phạm tội theo Điều 164a và Điều 164b mới bổ sung cần lưu ý
một số vấn đề sau đây:
- Trước đây khi
BLHS chưa quy định các hành vi này là tội phạm thì khi xem xét trách nhiệm hình
sự về hành vi mua bán hóa đơn được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP
ngày 23-11-2004. Theo Thông tư này hướng dẫn thì tùy mục đích mua bán và sử
dụng hóa đơn mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội
trốn thuế (Điều 160 BLHS); Tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá
giả (Điều 181 BLHS); Tội mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước (Điều 268 BLHS)
hoặc là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Trường hợp người bán
biết rõ mục đích của người mua thì người bán phạm tội tương ứng với người mua.
Để
áp dụng đúng quy định tại Điều 164a về Tội in, phát hành,
mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, sau khi thống
nhất với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, tại công văn
số 268/TANDTC - HS ngày 02/11/2012, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số
điểm về các hành vi liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng như sau:
+ Đối với hành vi mua, bán hóa đơn giá
trị gia tăng mà chứng minh được hóa đơn giá trị gia tăng đó đã được ghi đầy đủ
như đã mua bán hàng hóa thì hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá
đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” theo Điều 164a Bộ luật hình sự.
+ Đối với hành vi mua, bán hóa đơn giá
trị gia tăng mà không chứng minh được hóa đơn giá trị gia
tăng đó đã được ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa (còn nguyên như khi phát
hành) thì hành vi này cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá
đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” theo Điều 164a Bộ luật hình sự.
- Không phụ thuộc
vào mục đích của việc in, phát hành, mua bán mà chỉ cần hành vi in, phát hành,
mua bán trái phép với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này
hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích thì được coi là hành vi
phạm tội theo quy định tại Điều 164a BLHS.
- Đối với các tình
tiết như thế nào là số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn, hậu quả nghiêm
trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 164a và 164b,
là vấn đề đặt ra cần phải chờ văn bản hướng dẫn mới có thể áp dụng thống nhất
về các tội này.
2.2.3.
Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170a)
1. Người nào không được phép của chủ thể
quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm
phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô
thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng
hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi
hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác
phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù
từ sáu tháng đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền
từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như
vậy, khi xét xử loại tội phạm này cần chú ý một số vấn đề sau:
- Thế
nào là quyền tác giả, quyền liên quan:
Theo
luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì quyền tác giả là
quyền của tổ chức cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi
âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh được mã hóa (khoản 2, 3
Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
- Hành vi xâm hại quyền tác giả,
quyền liên quan được coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy
định tại Điều 170a BLHS khi được thực hiện với quy mô thương mại. Đối với những
hành vi sao chép, ghi âm, ghi hình mà không nhằm mục đích thương mại (phục vụ
việc học tập, nghiên cứu) thì không bị coi là tội phạm.
2.2.4. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong
hoạt động chứng khoán (Điều 181a)
1. Người nào cố ý công bố thông tin sai
lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch,
hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ
hoặc thanh toán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một
trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm
hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc
biệt nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền
từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, mức hình phạt đối với hành
vi này có thể lên tới 5 năm và có thể bị cấm hành nghề trong một thời gian. Thế nào là “hậu quả nghiêm trọng”
thì hiện nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, nhiều khả năng
“hậu quả nghiêm trọng” sẽ được “qui đổi” thành giá trị tiền. “Hậu quả” ở đây
chính là thiệt hại của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp phát hành chứng
khoán, tổ chức hoạt động chứng khoán, của Nhà nước …
2.2.5.
Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b)
1. Người nào biết được thông tin liên quan
đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố
có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại
chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp
thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông
tin đó thu lợi bất chính lớn, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm
trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng
đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt
lớn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền
từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo
Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật chứng khoán, giao dịch nội bộ bị cấm bao gồm các hành vi sau: Sử
dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; vô tình hay cố ý tiết lộ, cung
cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở
thông tin nội bộ (Khoản 1 Điều 70 Nghị định 58/2012/NĐ -CP).
2.2.6.
Tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c)
1. Người nào thực hiện một trong các hành
vi thao túng giá chứng khoán sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền
từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba
năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Thông đồng để thực hiện việc mua bán
chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo;
b) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức
cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc
biệt nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền
từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
- Các
hành vi thao túng chứng khoán bao gồm: Thông đồng trong giao dịch chứng khoán
nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức câu kết, lôi
kéo người khác liên tục đặt lệnh mua bán chứng khoán gây ảnh hưởng đến cung cầu
và giá chứng khoán, thao túng chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp
khác (Điều 27 Nghị định số 85/2010/NĐ-CP, ngày 2/8/2010 về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán).
- Giao dịch thao túng thị trường chứng khoán bị cấm bao gồm: Sử dụng một
hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình, của người khác hoặc thông đồng với
nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; liên tục mua
hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa
thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng
khoán đó trên thị trường… (Khoản 2 Điều 40 Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính
phủ ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán.)
Nếu
xét thấy giá trị khoản thu trái pháp luật hoặc mức độ gây thiệt hại của hành vi
vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì Uỷ ban chứng khoán sẽ chuyển
hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét để xử lý hình sự theo quy định.
Mặc dù Luật Chứng khoán năm 2006, có hiệu
lực pháp luật từ ngày 01/01/2007, nhưng mãi đến năm 2009, các quy định về tội
phạm trên lĩnh vực chứng khoán mới được bổ sung vào BLHS. Trong đó bao gồm: Tội
cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng
khoán (Điều 181 a); tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều
181 b); tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181 c). Tuy vậy, để các cơ quan tiến
hành tố tụng có thể áp dụng các điều luật trên trong công tác đấu tranh phòng,
chống tội phạm trên lĩnh vực chứng khoán thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các
cơ quan có liên quan cần có văn bản giải thích, hướng dẫn kịp thời về một số
tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”,
“thu lợi bất chính lớn”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”,
“có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán”, “thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc
biệt lớn”… làm cơ sở cho việc tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự, tránh
việc hành chính hoá các quan hệ pháp luật hình sự, hoặc hình sự hoá các quan hệ
pháp luật hành chính.
Mục 2 Chương IX (từ Điều 121 đến Điều 130)
Luật Chứng khoán có 7 điều quy định về các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị
xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là: Vi phạm quy định
về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng (Điều 121); vi phạm quy định về
niêm yết chứng khoán (Điều 123); vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch
chứng khoán (Điều 124); vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán và
chứng chỉ hành nghề chứng khoán (Điều 125); vi phạm quy định về giao dịch chứng
khoán (Điều 126); vi phạm quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng
khoán, về ngân hàng giám sát (Điều 127); có hành vi cản trở việc thanh tra (Điều
130). Đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích
hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhưng hiện nay BLHS mới chỉ quy định 3 hành vi bị
coi là tội phạm. Do đó, khi có cá nhân, tổ chức thực hiện những hành vi trên
không thể xử lý bằng pháp luật hình sự được. Điều này đặt ra vấn đề cần nghiên
cứu, bổ sung một số tội danh về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng
khoán.
II.
THỰC TIỄN XÉT XỬ VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
Trong những
năm gần đây, tình hình tội phạm ở nước ta đã và đang có những diễn biến hết sức
phức tạp, không chỉ gia tăng về số vụ, số người phạm tội mà tính chất của tội
phạm cũng có nhiều thay đổi. Tội phạm đã có xu hướng cấu kết với nhau thành
từng băng, ổ nhóm hoạt động trên những địa bàn khác nhau với các thủ đoạn tinh
vi, xảo quyệt, công khai và trắng trợn. Công tác xét xử ở Tòa án các cấp nói
chung đã từng bước được củng cố và tăng cường. Theo báo cáo tổng kết công tác
từ năm 2007 đến năm 2011 của Tòa án nhân dân tối cao thì mặc dù số lượng
các vụ án hình sự mà Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết
có lúc giảm (cao nhất là vào năm 2009, thấp nhất là vào năm 2011), tuy nhiên
tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra
nhiều.
Hiện nay, việc
xét xử các tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế cũng hầu hết các năm đều còn
tồn đọng nhiều, tỷ lệ bị cáo
khi thụ lý và tỷ lệ bị cáo khi đã xét xử đều thấy bình quân số bị cáo trên một
vụ án có xu hướng ngày càng tăng; tỷ lệ số vụ án đưa ra xét xử về các tội này
chiếm một phần đáng kể trong số các tội phạm khác. Theo số liệu
thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì năm 2007 các vụ án cũ còn lại và thụ
lý mới là 61.813 vụ với 107.696 bị cáo, trong khi đó số vụ án đưa ra xét xử là
55.299 vụ với 92.260 bị cáo (6.514 vụ và 15.436 bị cáo chưa được xét xử); năm
2008 còn 5.454 vụ và 12.699 bị cáo; năm 2009 còn 8.255 vụ và 18.593 bị cáo; năm
2010 còn 5.527 vụ và 12.950 bị cáo; năm 2011 còn 5.410 vụ và 13.393 bị cáo chưa
được đưa ra xét xử; năm 2011, thụ lý là 1710 vụ, xét xử 965 vụ, còn lại hơn 100
vụ chưa xét xử. So sánh tỷ lệ bị cáo khi thụ lý và tỷ lệ bị cáo khi đã xét xử
cho thấy bình quân số bị cáo trên một vụ án có xu hướng ngày càng tăng, ví dụ
năm 2007 và năm 2008 số bị cáo Tòa án thụ lý trung bình khoảng 1,74 bị cáo/01
vụ đến năm 2011 tỷ lệ số bị cáo tăng lên 1,78/01 vụ. Số bị cáo bị đưa ra xét xử
từ năm 2007 đến năm 2010 giao động từ 1,67 bị cáo/01 vụ đến năm 2011 con số này
tăng lên là 1,71 bị cáo/01 vụ. Cũng theo số liệu thống kê thì tỷ lệ số vụ án
đưa ra xét xử về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế chiếm số lượng đáng kể
trong số các tội phạm khác (Năm 2007 chiếm 1,37%, năm 2008 chiếm 1,4%, năm 2009
chiếm 1,58%, năm 2010 chiếm 1,56% và năm 2011 chiếm 1,44%).
Các số
liệu trên cho thấy xu hướng tăng nhanh về số lượng người phạm tội, sự nguy hiểm
của hành vi phạm tội ngày càng cao, được câu kết chặt chẽ, lôi kéo nhiều người
phạm tội, việc xét xử ở các cấp Tòa án còn chưa khẩn trương, kịp thời và trên
thực tế cũng có nhiều vụ án để quá thời hạn xét xử của Bộ luật tố tụng hình sự.
Điều này đòi hỏi Tòa án phải nâng cao nghiệp vụ của cán bộ, đổi mới nguyên tắc
làm việc để đạt được hiệu quả cao trong việc xét xử, tránh tình trạng để án còn
tồn đọng nhiều như hiện nay.
III.
NHỮNG SAI LẦM. THIẾU SÓT CẦN RÚT KINH NGHIỆM
Mặc dù các tội xâm phạm trật tự quản lý
kinh tế ở nước ta tương đối phổ biến và có số lượng lớn, nhưng số lượng bản án,
quyết định bị hủy không nhiều. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử vẫn còn một số
sai lầm thường gặp như sai lầm trong xác định tội danh, sai lầm trong xác định
tài sản chiếm đoạt, sai lầm trong xác định trách nhiệm bồi thường và sai lầm
trong xác định tư cách người tham gia tố tụng.
1.
Sai lầm trong việc xác định tội danh
Việc định tội danh sai tuy không còn là phổ biến,
nhưng có một số trường hợp không phải do nguyên nhân khách quan, mà chủ yếu do
trình độ nghiệp vụ hoặc không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và hướng
dẫn áp dụng Bộ luật hình sự nên đã định tội không đúng như: Người phạm tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản lại bị Tòa án kết án về “Tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả”; người phạm
tội có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì
bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng”; người phạm tội vận chuyển hàng cấm qua biên giới bán kiếm
lời thì Toà án lại kết án về “tội buôn
bán hàng cấm” chứ không kết án về “tội buôn lậu”…
Ví dụ 1: Vụ án Lý Kông Sinh phạm tội “Thiếu trách nhiệm
gây hậu quả nghiêm trọng”
Với chức vụ là Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, Lý Kông Sinh đã
trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất vườn
đối với các loại đất (như đất chiếm dụng của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đất
lâm nghiệp, đất ao, đất trồng lúa, đất trồng chè, đất được giao không đúng thẩm
quyền, đất chuyển nhượng trái pháp luật) và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất không đúng đối tượng cho 82 trường hợp. Kết quả là cơ quan có thẩm
quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất ở và đất vườn cho 24 trường
hợp trong đó có 06 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là
cán bộ và người thân thích của một số cán bộ tại địa phương. Tổng diện tích đất
mà 24 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất vườn
không đúng quy định là 72.762m2, trong số này có 18 trường hợp là đất
chiếm dụng của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đất lâm nghiệp, đất ao, đất trồng
lúa, đất trồng chè, đất được giao không đúng thẩm quyền và đất chuyển nhượng
trái pháp luật; 06 trường hợp còn lại là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
không đúng đối tượng.
Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Lý Kông Sinh 09 tháng tù về
tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm
trọng”. Bản án sơ thẩm nêu trên không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục
phúc thẩm nên có hiệu lực pháp luật.
Tòa án cấp sơ thẩm đã có sai lầm trong việc định tội
danh, Lý Kông Sinh phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo
Điều 285 Bộ luật hình sự là không đúng nên đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc
thẩm với lý do:
Trong vụ án này, hành vi phạm tội của Lý Kông Sinh có
dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế
gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 BLHS), vì với chức vụ là Phó Chủ tịch UBND
xã kiêm Chủ tịch Hội đồng đăng ký quyền sử dụng đất của xã, Lý Kông Sinh phải
biết rõ về điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
ở và đất vườn, về quỹ đất của xã, cũng như tình trạng biến động đất đai tại địa
phương, nhưng Sinh vẫn trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất cho những trường hợp không đủ điều kiện và không đúng đối tượng (trong số
các trường hợp này thì hầu hết là đất chiếm dụng của cơ quan Nhà nước, tổ chức,
đất lâm nghiệp, đất ao, đất trồng lúa, đất trồng chè, đất được giao không đúng
thẩm quyền và đất chuyển nhượng trái pháp luật).
Ví dụ 2: Vụ án Trần Quang Chiêu và các bị cáo bị xét xử
về tội “tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”
Trần Quang Chiêu là giám đốc công ty chế biến thủy sản
và xuất nhập khẩu Cà Mau (gọi tắt là Công ty), Nguyễn Tín Ngưỡng, Trần Văn
Hoàng là Phó Giám đốc, Vương Trung Tuấn là kế toán trưởng, Trương Việt Thù là
Phó giám đốc xí nghiệp 4, Trương Vĩnh Thắng là nhân viên thu mua xí nghiệp 2,
Trần Thị Nguyệt là nhân viên thu mua xí nghiệp 4. Do nguồn nguyên liệu thu mua
từ các đại lý không có hóa đơn giá trị gia tăng nhiều nên Trương Việt Thù,
Trương Vĩnh Thắng đã bàn bạc với Trần Quang Chiêu về việc mua hóa đơn giá trị
gia tăng và được Chiêu đồng ý. Chiêu, Thù, Thắng, Hoàng, Ngưỡng, Tuấn, Nguyệt
mua hóa đơn giá trị gia tăng của cơ sở kinh doanh Tạ Văn Kha do Huỳnh Thanh
Phong làm chủ và của Công ty TNHH Mỹ Hiệp do Dương Thị Mỹ Linh làm Giám đốc. Số
tiền thuế VAT 5% trên hóa đơn được hoàn thuế, Phong nhận 3,5%, để lại xí nghiệp
1,5% trả cho người bán nguyên liệu không có hóa đơn. Toàn bộ số tiền thuế VAT
đó được Công ty lập thủ tục xin khấu trừ hoàn thuế và được Cục thuế tỉnh Cà Mau
hoàn thuế với tổng số tiền là 3.606.671.501 đồng.
Khi sự việc bị phát hiện, cục thuế tỉnh Cà Mau đã ra
quyết định thu hồi lại toàn bộ số tiền 3.606.671.501 đồng tiền hoàn thuế VAT đối
với công ty.
Tại cáo trạng số 04/KSĐT-HS ngày 3/1/2006, VKSND tỉnh
Cà Mau đã truy tố Trần Quang Chiêu, Vương Trung Tuấn, Trần Văn Hoàng, Trương Việt
Thù, Trương Vĩnh Thắng, Trần Thị Nguyệt, Huỳnh Thanh Phong về tội “tàng trữ, vận
chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả” theo khoản 2 Điều 181 BLHS.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 84/2006/HSST ngày
12/5/2006, TAND tỉnh Cà Mau áp dụng khoản 2 Điều 181 BLHS, các điểm b, p khoản
1 Điều 46 xử phạt Huỳnh Thanh Phong 7 năm tù; áp dụng khoản 2 Điều 181, các điểm
p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46, 47, 60 BLHS, xử phạt Trần Quang Chiêu 3 năm tù
cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 3 năm; Vương Trung Tuấn 2 năm 6
tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm 6 tháng tù; Trương Việt
Thù 2 năm 6 tháng, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm 6 tháng;
Trương Vĩnh Thắng 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm; Trần
Văn Hoàng 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm; Trần Thị
Nguyệt 1 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 1 năm đều về tội “tàng
trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”; áp dụng điều 42 BLHS, 46
BLTTHS buộc Huỳnh Thanh Phong nộp lại số tiền chiếm đoạt là 1.257.100.061 đồng
trả lại cho công ty, buộc Trần Quang Chiêu, Vương Trung Tuấn, Trương Việt Thù,
Trương Vĩnh Thắng, Trần Văn Hoàng, Trần Thị Nguyệt liên đới bồi thường cho công
ty 642.499.017 đồng chia phần mỗi bị cáo phải bồi thường 107.083.169 đồng.
Các bị cáo kháng cáo.
Tại Quyết định kháng nghị số 101/KNPT-P1 ngày
25/5/2006, Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau đề nghị tòa phúc thẩm TANDTC tại thành
phố HCM xét xử tăng hình phạt đối với các bị cáo…
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1426/2006/HSPT ngày
21/9/2006 Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. HCM đã giữ nguyên quyết định hình phạt đối
với các bị cáo Phong, Chiêu, Nguyệt; tăng hình phạt với các bị cáo còn lại … và
đều về tội danh “tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”.
Tại quyết định kháng nghị số 20/2007/HS-TK ngày
21/8/2007, Chánh án TANDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm
hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSNDTC điều tra lại
theo thủ tục chung với lý do: Hành vi của các bị cáo lập hồ sơ hoàn thuế VAT khống
có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chứ không phải tội “tàng trữ,
vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”. Vụ án còn bỏ lọt tội phạm. Do đó,
cần phải điều tra lại.
2.
Sai lầm trong việc xác định tài sản chiếm đoạt
Việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt có ý
nghĩa trong việc xác định mức hình phạt, ảnh hưởng đến tính chính xác và nghiêm
minh của bản án, quyết định. Thực tiễn xét xử tại tòa án cho thấy vẫn có tòa án
sai lầm trong vấn đề này dẫn đến bản án, quyết định bị hủy.
Ví dụ 1: Vụ án vợ chồng Trần Minh Huệ và Nguyễn
Thị Ngọc Thiên bị xử phạt về “tội trốn thuế”.
Vợ chồng Trần Minh Huệ và Nguyễn Thị Ngọc Thiên là chủ cơ sở kinh doanh xe
gắn máy Thành Tiên, được UBND thị xã T cấp giấy chứng nhận kinh doanh số 00804
ngày 25/7/1994 và được Chi cục thuế thị xã T quản lý theo chế độ tự kê khai
doanh thu, được tính thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán - giá mua và
chịu thuế lợi tức theo kết quả kinh doanh hàng năm của cơ sở. Trong quá trình
kinh doanh từ tháng 9 năm 1996 đến tháng 6 năm 1998, vợ chồng Huệ đã mua vào và bán ra 916 xe
máy các loại nhưng chỉ kê khai nộp thuế 250 xe máy với chênh lệch giữa giá bán
hàng và giá mua hàng là 116.650.000 đồng. Chi cục thuế thị xã T đã thu thuế
doanh thu trên chênh lệch bán 250 chiếc xe (mỗi xe chênh lệch là 466.600 đ) mà
cơ sở Thành Tiên báo cáo: 116.650.000 đồng x 16% = 18.664.000 đ. Còn lại 666 xe
máy đã bán, vợ chồng Huệ đã
để ngoài sổ sách và không kê khai với mục đích trốn thuế.
Qua kiểm tra và đối chiếu
các tài liệu thu giữ tại cửa hàng, Công an thị xã T đã khởi tố vụ án, khởi tố 2
bị can Huệ và Thiên về tội trốn thuế và trưng cầu
giám định để xác định số thuế mà các bị can đã trốn. Cục thuế tỉnh B đã áp dụng
tiết b, điểm 2, phần C của Thông tư số 97/TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài
chính để xử lý cơ sở kinh doanh đã vi phạm các điều kiện về tính thuế doanh
thu. Cục thuế tỉnh B đã xác định số thuế Cơ sở kinh doanh xe máy Thành Thiên phải
nộp khi để ngoài sổ sách kế toán 696 xe máy (bao gồm cả 30 xe máy có liên quan
trong một vụ án khác) là 710.994.442 đồng, bao gồm:
+ Thuế doanh thu:
386.715.620 đồng.
+ Thuế lợi tức:
324.278.822 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm
số 54/HSST ngày 01/8/2002, TAND thị xã T áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 161; các
điểm a, i khoản 1 Điều 48; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 BLHS
xử phạt Thiên và Huệ mỗi bị cáo 3 năm tù, nhưng
cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm và phạt tiền 710.994.442 đ về
trội "trốn thuế"; buộc 2 bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế là
710.994.442 đ vào Ngân sách Nhà nước.
Ngày 11/8/2002, Thiên và Huệ kháng cáo đề nghị Tòa án cấp
phúc thẩm xem xét lại số tiền thuế và khoản tiền phạt.
Tại bản án hình sự phúc
thẩm số 09/HSPT ngày 21/3/2003, TAND tỉnh B đã sửa bản án sơ thẩm về hình phạt
tiền và số tiền truy thu thuế, vì bản án sơ thẩm chưa trừ đi số thuế của 30 xe
đó bị tịch thu; áp dụng khoản 4 Điều 161 BLHS, phạt tiền Thiên và Huệ 628.285.185 đ; buộc hai bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế
là 682.285.185 đồng.
Trên
cơ sở kháng nghị của VKSNDTC, ngày 19/4/2005, Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC đã
ban hành Quyết định số 08/2005/HS-GĐT hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số
54/HSSP ngày 01/8/2002 của TAND thị xã T và bản án hình sự phúc thẩm số 09/HSPT
ngày 21/3/2003 của TAND tỉnh B; giao hồ sơ vụ án cho TAND thị xã T để xét
xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, khi xác định số
thuế cơ sở kinh doanh xe máy Thành Thiên thực trốn là bao nhiêu, cần phải dựa
trên số liệu xác định rằng, nếu cơ sở này kê khai đủ thì số thuế thu được khi
mua vào và bán ra 666 xe máy này là bao nhiêu và số thuế đó phải được tính trên
doanh thu chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào số xe máy đó (vì cơ sở này
đã được cơ quan quản lý thuế trên địa bàn chấp nhận phương pháp tính thuế này).
Cục thuế dựa trên nguyên tắc phạt về khai man, lậu thuế đối với cơ sở vi phạm
các quy định về việc tính thuế trên chênh lệch phải tính trên doanh thu để xác
định số thuế cơ sở kinh doanh xe máy Thành Thiên đã trốn khi để ngoài sổ sách kế
toán 666 xe máy là đã vi phạm nguyên tắc: Một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị
xử lý một lần.
Bản án phúc thẩm xác định
số thuế 682.282.185 đồng cơ sở kinh doanh xe máy Thành Thiên đã trốn là không
chính xác, không phản ánh đúng số thuế mà cơ sở kinh doanh xe máy Thành Thiên
thực trốn vì số tiền 682.285.185 đồng đã bao gồm cả yếu tố xử lý của ngành thuế
khi phát hiện cơ sở này vi phạm chế độ tài chính, kế toán trong quá trình kinh
doanh.
Bản án sơ thẩm và bản án
phúc thẩm đã sai lầm trong việc xác định số lượng thuế thực trốn của Thiên và Huệ trong quá trình kinh doanh
666 xe máy. Vì vậy, quyết định giám đốc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và bản án
phúc thẩm để xét xử lại.
Ví dụ 2: Vụ án Ngô Thị
Phương phạm tội sản xuất hàng giả
Ngày 26/02/2008, Đội quản
lý thị trường quận TB kiểm tra và phát hiện tạm giữ tại Công ty TNHH may và xuất
nhập khẩu Hoàng Huỳnh (số 101 Nhất Chi Mai, phường A, quận TB) số hàng hoá gồm
14.916 cái áo thun lưới (trong đó có 12.440 áo thun nhãn hiệu ADIDAS và 2.476
áo thun nhãn hiệu NIKE) đang đóng kiện để gửi đi nước ngoài. Ngoài ra còn thu
giữ của Phương những vật chứng như sau: 01 máy cắt, 01 bộ rập mẫu áo bằng bìa
cac-tông. Tạm giữ và giao cho Huỳnh Ngọc Thái (chồng Ngô Thị Phương) quản lý một
máy ép thuỷ lực tự chế.
Quá trình điều tra, Công
an quận TB làm rõ được hành vi sản xuất hàng giả của Ngô Thị Phương.
Tại bản án hình sự sơ thẩm
số 21/2009/HSST ngày 22/01/2010 Tòa án nhân dân quận TB, thành phố H, xử phạt
Ngô Thị Phương 2 năm 6 tháng tù về tội "Sản
xuất hàng giả”; áp dụng khoản 4 Điều 156 BLHS phạt tiền bị cáo Phương
5.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.
Ngày 25/01/2010, bị cáo
Ngô Thị Phương kháng cáo xin được giảm án và xin được án treo.
Bản án hình sự phúc thẩm
số 263/2010/HSPT ngày 31/5/2010 của Tòa án nhân dân thành phố H chấp nhận đơn
kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 1 Điều 156; các điểm g,
p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự,
xử phạt Ngô Thị Phương 02 năm 6 tháng tù về tội "Sản xuất hàng giả”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử
thách là 5 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Ngày 28/10/2010, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 28/QĐ/VKSTC-V3
kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 263/2010/HSPT ngày
31/5/2010 của Tòa án nhân dân thành phố H và bản án hình sự sơ thẩm số
21/2009/HSST ngày 22/01/2010 Tòa án nhân dân quận TB, thành phố H; đề nghị Tòa
Hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm để hủy các bản án nêu
trên; giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp
luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 23/2011/HS-GĐT ngày
26-7-2011, Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị
tuyên huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 263/2010/HSPT ngày 31/5/2010 của Tòa
án nhân dân thành phố H và bản án hình sự sơ thẩm số 21/2009/HSST ngày
22/01/010 Tòa án nhân dân quận TB, thành phố H để điều tra lại; giao hồ sơ vụ
án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thủ tục chung.
Khi xét xử, Tòa án cấp sơ
thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào số tiền 149.160.000 đồng do Hội đồng định
giá tài sản trong tố tụng hình sự quận TB kết luận, để xử phạt bị cáo theo khoản
1 Điều 156 Bộ luật hình sự là không chính xác. Việc định giá tài sản phải dựa
trên giá trị hàng hóa thật được bán trên thị trường, hàng hóa giả không được
phép bán trên thị trường nên không thể lấy đó làm cơ sở định giá tài sản.
Vì vậy, việc Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận TB dựa trên
giá trị hàng hóa giả (áo thun lưới không cổ, hàng Việt Nam giả nhãn hiệu ADIDAS
và NIKE) được bán trên thị trường để làm căn cứ định giá là không đúng với quy
định của pháp luật.
Mặt khác, với những tài
liệu có trong hồ sơ vụ án, nếu căn cứ vào số lượng hàng giả mà Ngô Thị Phương
đã sản xuất ra tương đương với số lượng hàng thật cả hai loại áo có tổng giá trị
là 7.779.880.000 đồng để xét xử bị cáo theo điểm a khoản 3 Điều 156 Bộ luật
hình sự cũng chưa có căn cứ. Bởi, việc xác định tổng giá trị hàng thật
của cả hai loại áo là 7.779.880.000 đồng mới chỉ dựa trên các công văn trả lời
của hai văn phòng là Văn phòng luật sư Đoàn Hồng Sơn - Đại diện theo ủy quyền của
công ty ADIDAS và Văn phòng đại diện thường trú NIKE tại thành phố H mà chưa có
sự thẩm định, định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự là
không tuân theo đúng các quy định của pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng
hình sự.
3. Sai lầm trong xác định trách nhiệm bồi thường
Trong các vụ án về các
tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bên cạnh khó khăn trong việc xác định tội
danh thì việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự cũng gặp phải những vướng
mắc nhất định.
Ví dụ: Vụ án Hà Hữu Hiển
và các bị cáo phạm “tội trốn thuế”
Hà Hữu Hiển (là giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng)
và bà Hà Thị Nội (trú tại số 10 ngõ 266 Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình,
thành phố Hà Nội) ký hợp đồng liên doanh số 388 ngày 29/01/2010, thỏa thuận
Công ty Việt Thắng đại diện đứng tên làm hồ sơ trình cơ quan chức năng tỉnh
Vĩnh Phúc phê duyệt cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản cát, sỏi tại lòng sông
Lô thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với tỷ lệ góp vốn mỗi bên là 50%; lợi nhuận thu
được sau khi đã trừ đi chi phí được tính như sau: Công ty Việt Thắng được hưởng
10% pháp nhân, số còn lại chia đều cho hai bên là 50/50; Công ty Việt Thắng
chịu trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế môn bài, phí
bảo vệ môi trường và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thực hiện thỏa thuận trên, Hà Hữu Hiển đã làm
hồ sơ đứng tên Công ty Việt Thắng để trình cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phê
duyệt. Từ ngày 26/5/2010 đến ngày 13/8/2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra các
quyết định cho Công ty Việt Thắng khai thác cát sỏi thuộc địa phận trên với
tổng diện tích các mỏ khai thác là 52,6ha; tổng trữ lượng cát, sỏi là
2.863.993m3; công suất khai thác là 95.000m3/năm; thời hạn khai thác
là 05 năm kể từ ngày ban hành quyết định.
Ngày 20/9/2010, Hiển và bà Nội tiếp tục ký thêm hợp
đồng số 2467 về việc cùng đầu tư, quản lý để khai thác mỏ khoảng sản. Hai bên
thành lập bộ phận sản xuất kinh doanh trực thuộc công ty Việt Thắng lấy tên là
Ban quản lý mỏ trong đó Hiển là giám đốc còn bà Nội là Phó giám đốc. Vốn đầu tư
ban đầu là 4.460.000.000 đồng. Tại thời điểm ký hợp đồng này bà Nội nộp cho
Công ty Việt Thắng 2.230.000.000 đồng.
Do không đủ tiền để đóng theo tỷ phần nên ngày
06/6/2010, Hà Hữu Hiển đã mời những người thân quen tham gia cổ phần và sẽ được
phân chia lợi nhuận trên cơ sở góp vốn. Tại biên bản thỏa thuận ngày 06/6/2010
thể hiện: ông Nguyễn Tiến Hải góp 10%, bà Phạm Thị Bích Nhiễn (Bốn) góp 15%, bà
Phạm Thị Minh góp 15%, Hà Hữu Hiển góp 10%, Công ty Việt Thắng 5% (nộp vào lợi
nhuận của Công ty), bà Hà Thị Nội góp 45% và bà Nội cử chị Đỗ Thị Luyến làm đại
diện quản lý mỏ.
Toàn bộ doanh thu bán cát, trích nộp thuế, chi phí,
ăn chia lợi nhuận giai đoạn này được hạch toán chung trong hệ thống sổ kế toán
với các hoạt động khác của Công ty. Thực tế phản ánh theo sổ kế toán của Công
ty từ ngày 18/10/2010 đến ngày 29/12/2010 doanh thu bán cát là 4.762.634.000
đồng nhưng Công ty Việt Thắng xuất hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai thuế
doanh thu bán ra từ ngày 15/11/2010 đến ngày 29/12/2010 là 5.407.795.895 đồng,
tăng so với thực tế khai thác là 645.161.895 đồng.
Tại bản kết luận giám định tài chính số 07 ngày
31/8/2011 của Tổ chức giám định tài chính tỉnh Vĩnh Phúc kết luận: Từ ngày
9/10/2010 đến ngày 29/12/2010 tiền bán cát của Công ty Việt Thắng là
13.749.076.000 đồng. Công ty Việt Thắng đã hoạch toán kê khai số tiền bán cát
kỳ tháng 11, kỳ tháng 12 năm 2010 là 5.407.795.895 đồng; tiền bán cát không hoạch
toán trong năm 2010 là 8.341.280.105 đồng, nhưng chưa nộp thuế vì vậy phải thu
nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 3.376.669.812 đồng. Công ty Việt Thắng có
trách nhiệm thu nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 3.376.669.812 đồng…
Tại bản
án hình sự sơ thẩm số 03/2012/HSST ngày 17/01/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh
Phúc quyết định áp dụng khoản 3 Điều 161; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều
46; khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Hà Hữu Hiển 03 năm tù về tội “Trốn
thuế” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày tuyên
án.
Về
trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 41, Điều 42
Bộ luật hình sự buộc Công ty Việt Thắng phải nộp cho Chi cục thuế huyện Sông Lô
số tiền thuế và phí là 3.376.669.812 đồng. Xác nhận gia đình Hà Hữu Hiển đã nộp
số tiền 990.000.000 đồng, còn lại Công ty Việt Thắng phải nộp số tiền
2.386.669.812 đồng.
Ngày
31/01/2012, Hà Hữu Hiển kháng cáo với nội dung: Toàn bộ số tiền do Công ty Việt
Thắng trốn thuế đã chia cho các thành viên là bà Nội, bà Bốn, bà Minh và ông
Hải nên đề nghị truy thu từ những người này để trả ngân sách Nhà nước, không
buộc công ty Việt Thắng nộp 79.733.396 đồng án phí dân sự vì đây không phải là
tranh chấp dân sự.
Tại
kháng nghị số 75/QĐ-KNPT ngày 01/02/2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tỉnh Vĩnh Phúc kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử lý
vật chứng theo hướng tịch thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 1.030.000.000 đồng
là vật chứng đã thu được; truy thu của những người liên quan đến khoản tiền
không hợp pháp là số tiền do Công ty Việt Thắng trốn thuế và phí mà có đã chia
để nộp vào ngân sách Nhà nước là 2.346.669.812 đồng và không buộc Công ty Việt
Thắng phải nộp án phí dân sự.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số
209/2012/HSPT ngày 27/4/2012, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội
quyết định áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 41 Bộ luật hình sự:
Truy thu số tiền trốn thuế và phí của Công ty Việt Thắng để nộp ngân sách Nhà
nước. Tổng số tiền là 3.376.669.812 đồng, trong số tiền này các cá nhân phải chịu
trách nhiệm là: bà Nội 1.606.324.968 đồng; bà Minh 295.011.656 đồng; bà Nhiễn
(Bốn) 295.011.656 đồng; ông Hải 193.537.876 đồng. Ghi nhận ông Hải đã nộp
40.000.000 đồng; bị cáo Hiển nộp 986.783.656 đồng. Ghi nhận bị cáo Hiển đã nộp 990.000.000
đồng.
Tại Quyết định số 22/QĐ-VKSTC-V3 ngày
22/10/2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự
phúc thẩm số 209/2012/HSPT ngày 27/4/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối
cao tại Hà Nội với lý do:
Theo giấy phép kinh doanh và theo hợp đồng
đã ký giữa Hà Hữu Hiển và những người góp vốn khác thì Công ty Việt Thắng có
trách nhiệm nộp các loại thuế và phí cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Hà Hữu Hiển là đại diện công ty Việt Thắng có hành vi trốn thuế thì Công ty Việt
Thắng phải có nghĩa vụ truy nộp số tiền thuế và phí còn thiếu vào ngân sách Nhà
nước. Tòa án cấp phúc thẩm không buộc Công ty Việt Thắng phải truy nộp số tiền
trốn thuế vào ngân sách nhà nước mà quyết định các thành viên góp vốn phải truy
nộp số tiền này vào ngân sách Nhà nước là không đúng với quy định của pháp luật.
Trong
vụ án trên, Hà Hữu Hiển là đại diện Công ty TNHH Việt Thắng, tại giấy phép đăng
ký kinh doanh mà Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cấp thì Công ty TNHH Việt
Thắng phải có trách nhiệm nộp các loại thuế và phí theo quy định của Nhà nước.
Mặt khác, theo hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Hà Hữu Hiển là đại diện Công ty
TNHH Việt Thắng đã ký với các cá nhân là bà Hà Thị Nội, ông Nguyễn Tiến Hải, bà
Phạm Thị Bích Nhiễn (Bốn), bà Phạm Thị Minh đã quy định lợi nhuận thu được sau
khi đã trừ chi phí thì Công ty Việt Thắng được hưởng 10% và Công ty Việt Thắng
phải có trách nhiệm nộp thuế và các loại phí cho Nhà nước. Như vậy, Hà Hữu Hiển
là giám đốc, đại diện của Công ty Việt Thắng đã thực hiện hành vi trốn thuế thì
Công ty Việt Thắng phải có nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phí cho Nhà nước. Đối
với các cá nhân khác góp vốn vào Công ty Việt Thắng, mặc dù không biết việc
Hiển trốn thuế nhưng vẫn được chia lợi nhuận trên khoản tiền chưa đóng thuế của
Công ty Việt Thắng và Tòa án cũng phải giành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho
Công ty Việt Thắng để yêu cầu các cá nhân góp vốn hoàn trả lại số tiền thuế
chưa đóng. Trong vụ án trên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty Việt Thắng phải
nộp số tiền thuế là 3.376.669.812 đồng cho Nhà nước là có căn cứ, Tòa án cấp
phúc thẩm quyết định “truy thu số tiền trốn thuế và phí của Công ty trách nhiệm
hữu hạn Việt Thắng để nộp ngân sách Nhà nước, tổng số tiền là 3.376.669.812
đồng” đồng thời buộc các thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm về số tiền
trên là không đúng với quy định của pháp luật.
Qua đó cho thấy, việc xác định trách nhiệm bồi thường
trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cũng gặp nhiều vướng mắc dẫn đến
sai lầm của Tòa án các cấp.
4. Sai lầm trong
việc xác định tư cách người tham gia tố tụng
Một trong những sai lầm thường mắc phải
trong quá trình xét xử các tội xâm phạm
trật tự về quản lý kinh tế là việc
xác định sai tư cách người tham gia tố tụng.
Ví dụ: Vụ án Mai Quý Cường và các bị cáo
phạm tội trốn thuế
Năm 2003 Mai Quý Cường thành lập 03 công
ty và thuê người đứng tên gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại
Hà Hưng (gọi tắt là Công ty Hà Hưng), Công ty Thương mại Cổ phần Hoàng Loan
(gọi tắt là Công ty Hoàng Loan), và Công ty Thương mại Cổ phần Hưng Thịnh (gọi
tắt là Công ty Hưng Thịnh).
Trong 02 năm 2003 đến năm 2004, Cường
cùng với Vũ Hưng Bình - Giám đốc Công
ty trách nhiệm hữu hạn Phương Trinh (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) lợi dụng
chính sách ân hạn thuế nhập khẩu, thông qua tư cách pháp nhân của 03 công ty
nêu trên, nhập khẩu 93 xe ô tô từ Hàn Quốc, sau khi bán các xe này đã không nộp
thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, trốn thuế với số lượng đặc biệt lớn,cụ
thể:
- Từ tháng 12/2003 đến tháng 1/2004 nhập
khẩu 37 xe ô tô. Trong đó, nhập qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 thành phố Hồ
Chí Minh 06 xe ô tô, với số thuế phải nộp là 3.012.765.439 đồng; nhập qua cửa
khẩu cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 31 xe ô tô, với số thuế phải nộp là
2.483.502.000 đồng.
- Từ ngày 12/3/2004 đến 19/3/2004 nhập khẩu
16 xe ô tô qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 thành phố Hồ Chí Minh, với số
thuế phải nộp là 4.132.915.719 đồng.
- Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2004 nhập khẩu
40 xe ô tô. Trong đó, nhập khẩu qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 thành phố Hồ
Chí Minh 19 xe ô tô, với số thuế phải nộp là 1.749.374.415 đồng; nhập qua cửa
khẩu Cảng Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 21 xe ô tô, với số thuế phải nộp là
1.731.519.161 đồng. Tổng số tiền thuế mà các đối tợng trốn thuế là 13.110.076.734
đồng.
Nguyễn Thanh Hải giúp sức cho Cường, Bình
trong việc giao nhận tiền và trao đổi các tài liệu liên quan đến nhập khẩu xe,
được Cường chia cho 35.000.000 đồng; Nguyễn Phát Đạt khi phạm tội là Giám đốc
Công ty TNHH Ngọc Ẩn, chịu trách nhiệm mua, bán 82 xe ô tô trong tổng số 93 xe
ô tô mà các bị cáo nhập khẩu và trốn thuế, được chia 594.100.000 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định Mai Quý Cường
chiếm hưởng số tiền trốn thuế là 11.310.000.000 đồng, Vũ Hưng Bình chiếm hưởng
số tiền trốn thuế là 1.200.000.000 đồng.
Trong giai đoạn điều
tra, Cơ quan điều tra đã tạm giữ số tiền 8.069.223.322 đồng. Trong đó: Vũ Hưng
Bình nộp 7.433.823.322 đồng, Nguyễn
Thanh Hải nộp 35.000.000 đồng, Nguyễn Phát Đạt nộp 594.100.000 đồng.
Chị Vũ Thị Thanh Loan
và anh Nguyễn Văn Liêm được Mai Quý Cường thuê đứng tên làm giám đốc, chị Loan
được trả công 5.000.000 đồng, anh Liêm được trả công 1.300.000 đồng (Chị Loan
và anh Liêm đã nộp lại số tiền đã nhận).
Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 3 Điều
161; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Mai Quý Cường
05(năm) tù về tội “Trốn thuế”.
Áp dụng khoản 3 Điều 161; các điểm b, p
khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Hưng Bình 30
(ba mươi) tháng tù về tội “Trốn thuế”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử
thách là 54 tháng.
Tòa án cấp sơ thẩm còn xử phạt Nguyễn
Thanh Hải 06 tháng 25 ngày tù; Nguyễn Phát Đạt được miễn hình phạt, đều về tội
“Trốn thuế”.
Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng
nghị theo thủ tục phúc thẩm nên có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao đã kháng nghị bản án hình sự sơ thẩn nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm với
lý do:
Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm kết án
các bị cáo Mai Quý Cường, Vũ Hưng Bình, Nguyễn Phát Đạt và Nguyễn Thanh Hải về
tội “Trốn thuế” là có căn cứ. Tuy nhiên, với vai trò, mức độ nguy hiểm của hành
vi phạm tội cũng như nhân thân người phạm tội thì việc kết án Mai Quý Cường và
Vũ Hưng Bình với mức hình phạt như nêu trên là nhẹ.
Tòa án cấp sơ thẩm đã sai lầm nghiêm trọng
khi xác định nguyên đơn dân sự. Trong vụ án này, các bị cáo nhập khẩu ô tô, làm
thủ tục hải quan, khai báo thuế qua Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV3 thuộc Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và Hải
quan cửa khẩu Cảng Phú Mỹ thuộc Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Theo quy định
tại khoản 5 Điều 5 Luật quản lý thuế thì: “…Tờ
khai hải quan được sử dụng làm tờ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu”; tại điểm b khoản 1 Điều 44 Luật quản lý thuế quy định địa điểm nộp
thuế tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế. Như vậy, trong
trường hợp này cơ quan có thẩm quyền thu thuế nhập khẩu là Cục Hải quan tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu và Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh vì thế các cơ quan này là
nguyên đơn dân sự trong vụ án. Việc Toà án cấp sơ thẩm xác định Cục thuế thành
phố Hà Nội là nguyên đơn dân sự và quyết định buộc các bị cáo truy nộp số tiền
trốn thuế cho Cục thuế Hà Nội là không đúng.
KẾT
LUẬN
Do tính chất và đặc điểm của các tội xâm phạm trật tự
quản lý kinh tế luôn bị chi phối bởi chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước,
vì thế qua thực tiễn xét xử và thực tiễn nghiên cứu
cho thấy các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những loại tội phức tạp,
việc định tội danh, đánh giá chứng cứ khi nghiên cứu, xét xử là một công tác khó không chỉ đối với thẩm
tra viên, chuyên viên mà đối với cả những thẩm phán có kinh nghiệm. Trên thực tế,
công tác xét xử loại tội phạm nói trên cũng đã có những tiến bộ đáng kể thể hiện
sự nỗ lực của những người làm công tác bảo vệ pháp luật trong thời gian qua. Mặc
dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc áp dụng pháp luật và thi hành
pháp luật đối với loại tội phạm trên cũng vẫn còn những hạn chế cần phải nghiêm
túc rút kinh nghiệm, nhất là khi BLHS 2009 có sửa đổi, bổ sung về một số tội
thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Bên cạnh việc nâng cao
trình độ, phẩm chất đạo đức của các cán bộ xét xử thì việc cần tăng cường hướng
dẫn các loại tội phạm này cũng là một phương thức hỗ trợ đắc lực tránh được việc
hiểu không thống nhất khi áp dụng pháp luật. Do đó, cả trên phương diện lý luận
và thực tiễn áp dụng pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự đối với các tội
xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế, về công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm
nói riêng hay các tội phạm khác và các cấp xét xử khác được quy định trong Bộ
luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự nói chung cần phải được tiếp tục nghiên
cứu, hoàn thiện để qua đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng ngừa
phòng chống tội phạm và nâng cao hiệu quả của công tác xét xử nói chung./.
Tags:
chuyende,
hinhsu
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!