Đang tải dữ liệu...
Chuyên đề 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘI PHẠM KHỦNG BỐ VÀ TÀI TRỢ KHỦNG BỐ - Thẩm Phán 13 Lớp B (thamphan13) /* Menu Horizontal top*/

Tạo banner chạy dọc hai bên

hinhlop1

hinhlop


Download Hình

Tiện ích bài đăng có ảnh thumbnail chạy ngang

Chuyên đề 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘI PHẠM KHỦNG BỐ VÀ TÀI TRỢ KHỦNG BỐ

bookmark and share |

Bài đăng ngày:29 thg 5, 2013


I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Bộ luật hình sự năm 1999, thì tội khủng bố được quy định tại Điều 84 thuộc Chương “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm là phải có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Khách thể của tội phạm chính là việc xâm hại đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của con người.
- Hành vi khách quan của tội phạm này được biểu hiện: Xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ hoặc những hành vi khác uy hiếp tinh thần của con người; đối tượng tác động của tội phạm chỉ có thể là con người cụ thể mà không phải là tài sản hoặc các vật khác và mục đích phải là chống chính quyền nhân dân, nếu không phải nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử theo các tội danh khác tương ứng quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS).
Hành vi khủng bố là một trong những loại hành vi đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, trật tự của các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc quy định tội danh khủng bố như trên chỉ phù hợp khi mà quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước về phòng, chống khủng bố còn hạn chế. Theo quy định tại Điều 84 BLHS thì đối tượng bị khủng bố gây thiệt hại có thể là tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể và tinh thần hoặc sự vững mạnh của chính quyền nhà nước. Song BLHS chỉ có một tội danh về khủng bố là chưa toàn diện, thiếu cơ sở pháp lý để đấu tranh với loại tội phạm này. Thực tế cho thấy, không phải tất cả những trường hợp khủng bố xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể và tinh thần của người khác đều  nhằm chống chính quyền nhân dân, mà có những trường hợp khủng bố để trả thù mang tính cá nhân, gây sự hoảng sợ cho người bị khủng bố như  những trường hợp gửi vòng hoa, gửi quan tài, treo đầu chó, nhắn tin đe dọa, phá hủy, chiếm giữ tài sản… Nếu những hành vi đó lại quy định trong Chương “các tội xâm phạm an ninh quốc gia” là không phù hợp với quan niệm của cộng đồng quốc tế về khủng bố và tội phạm khủng bố nên đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố và cũng rất khó khăn khi xử lý bằng các quy định khác trong BLHS như hành vi khủng bố bằng tin nhắn điện thoại, gửi vòng hoa, quan tài... Chính vì những quy định chưa phù hợp như vậy, nên thời gian qua đã xảy ra một số vụ khủng bố nhằm chống lại Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là chống lại các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, kể cả tại thủ đô của một số nước ASEAN. Việt Nam đã yêu cầu các nước xử lý thỏa đáng các vụ khủng bố đó hoặc trao các đối tượng khủng bố để Việt Nam xét xử, song yêu cầu dẫn độ của chúng ta không được đáp ứng thỏa đáng với lý do là quy định về tội danh khủng bố của Việt Nam còn chưa chặt chẽ.
Nhận thức được những bất cập trong các quy định tại Điều 84 BLHS và để phù hợp với quan niệm của cộng đồng quốc tế về khủng bố và tội phạm khủng bố, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã sửa Điều 84 quy định về “Tội khủng bố” thành “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” vẫn nằm trong Chương XI - Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, bổ sung Điều 230a quy định “Tội khủng bố” và Điều 230b quy định “Tội tài trợ khủng bố” nằm trong Chương XIX - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự đối với các hành vi khủng bố của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS đã tạo cơ sở pháp lý phân biệt rõ chỉ có những hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân mới quy định tại Chương “Xâm phạm an ninh quốc gia” còn lại các hành vi khủng bố khác sẽ xử lý theo tội khủng bố tại chương “Xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng”. Quy định như vậy cũng tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác đấu tranh chống khủng bố, khẳng định tính chủ động của Việt Nam trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng ngừa, ngăn chặn khủng bố và hợp tác quốc tế về chống khủng bố; đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước New York năm 1999 về chống các hành vi tài trợ khủng bố.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ nêu lên những vấn đề chung về tội khủng bố, tài trợ khủng bố, qua đó đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống khủng bố ở nước ta.

II. CÁC DẤU HIỆU PHÁP LÝ HÌNH SỰ ĐẶC TRƯNG CỦA TỘI “KHỦNG BỔ” ĐIỀU 230A VÀ TỘI “TÀI TRỢ KHỦNG BỐ” ĐIỀU 230B TRONG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU BLHS NĂM 2009.

1. Tội khủng bố:
Tại Điều 230a “Tội khủng bố” được quy định như sau:
“1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS năm 1999 đã tội phạm hóa hành vi “khủng bố” và hành vi “tài trợ khung bố” thành các tội danh độc lập thì các Cơ quan Nội chính Trung ương đã ban hành Thông tư số 06/2012/TTLT/BCA - BQP - BTP - NHNNVN - VKSNDTC - TANDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ngày 05/5/2012 hướng dẫn cụ thể và chi tiết về tội khủng bố và tài trợ khủng bố theo đó các dấu hiệu pháp lý của hai tội này được thể hiện như sau:

a. Khách thể của tội khủng bố:
Khách thể loại của tội khủng bố là an toàn công cộng và trật tự công cộng, còn khách thể trực tiếp có thể là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tự do thân thể và tinh thần của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
b. Về mặt chủ quan: Tội khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý; mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 230a BLHS có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người như quảng trường, ngã ba, ngã tư đường giao thông, tại các bến, nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà, cơ sở hạ tầng khác mà người dân có thể đến với nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ: Hành vi gây nổ ở một khu vực ga xe lửa làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông công cộng. Hành vi được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng, ví dụ: Tại gia đình hoặc trong trụ sở cơ quan nhưng nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 230a BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
c. Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở những hành vi như: 
Hành vi phá hủy tài sản quy định tại khoản 1 Điều 230a BLHS là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được. Chiếm giữ tài sản quy định tại khoản 2 Điều 230a BLHS là hành vi chiếm giữ một cách trái pháp luật tài sản thuộc quyền nắm giữ, quản lý của cá nhân, tổ chức khác; hành vi làm hư hại tài sản quy định tại khoản 2 Điều 230a BLHS là cố ý làm hư hỏng hoặc giảm giá trị sử dụng của tài sản nhưng có thể khôi phục lại được. Hành vi này được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: đốt, đập, phá, dùng thuốc nổ, dùng chất hóa học… Đe dọa phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi bằng lời nói, gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc bằng các hành vi khác làm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được và lo sợ rằng tài sản của mình có thể bị phá hủy.
Hành vi khác uy hiếp tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 230a là đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị uy hiếp hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của thân nhân người bị uy hiếp hoặc các hành vi khác nhằm làm cho người bị uy hiếp lo sợ, cản trở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ một cách bình thường.
Trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, nếu gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo quy định tại Điều 84 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này; nếu xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân và hành vi đó được thực hiện ở vùng rừng núi; vùng biển, vùng hiểm yếu khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hoạt động phỉ theo quy định tại Điều 83 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này; nếu xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thông qua hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bạo loạn quy định tại Điều 82 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này.
Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như tội giết người quy định tại Điều 93 BLHS, tội đe dọa giết người quy định tại Điều 103 BLHS, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 BLHS, tội bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 123 BLHS …nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng.
 Trường hợp người thực hiện hành vi phá hoại, nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp theo quy định tại Điều 80 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người thực hiện hành vi phá hủy tài sản, nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân và tài sản bị phá hủy là cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 85 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này; nếu phá hủy tài sản, nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, không có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, nhưng tài sản đó là công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, hoặc tài sản là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
 Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà thực hiện hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Nếu chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy nhưng không có mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy theo quy định tại Điều 221 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi chiếm giữ tài sản, làm hư hại tài sản, nếu không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 BLHS hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 143 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó.
 Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà bịa đặt, cố ý loan truyền thông tin giả về khủng bố (ví dụ bịa đặt, cố ý loan truyền tin giả có chất nổ, bom trên tàu bay, tàu hỏa, về dịch bệnh nguy hiểm…) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 230a BLHS mà tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định khác của pháp luật.
d. Chủ thể của tội phạm:
Người phạm tội có thể là công dân Việt Nam, công dân nước ngoài hay người không có quốc tịch, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định.
đ. Hình phạt:
Điều 230a quy định ba khung hình phạt:
Khung 1: Quy định hình phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với trường hợp xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khung 2: Quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khung 3: Quy định hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm áp dụng trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 điều này.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Tội tài trợ khủng bố:
Tại Điều 230b “Tội tài trợ khủng bố” được quy định như sau:
“1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố có những dấu hiệu pháp lý đặc trưng sau:
a. Khách thể của tội phạm:
Cũng tương tự như đối với tội khủng bố, khách thể loại của tội tài trợ khủng bố là an toàn công cộng và trật tự công cộng, còn khách thể trực tiếp cũng có thể là tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tự do thân thể và tinh thần của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền hoặc tài sản mà người phạm tội tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố; thông qua những đồng tiền hoặc tài sản mà người phạm tội tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố xâm phạm đến an toàn công cộng và trật tự công cộng hoặc gián tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tự do thân thể và tinh thần của cơ quan, tổ chức, cá nhân con người và tài sản.
b. Mặt chủ quan:
Hành vi phạm tội tài trợ khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý;
c. Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội tài trợ khủng bố được biểu hiện ở hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố. Hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản được thực hiện dưới các hình thức tặng, cho, cho vay, mượn tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm cả việc vận động, kêu gọi, hỗ trợ cung cấp tiền, tài sản cho tổ chức khủng bố hoặc cá nhân khủng bố.
 Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.
 Huy động, hỗ trợ tiền, tài sản quy định tại khoản 1 Điều 230b BLHS phải không nhằm giúp sức cho việc thực hiện các hành vi khủng bố cụ thể mới cấu thành tội tài trợ khủng bố. Trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố nhằm giúp sức cho việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện một hoặc một số vụ khủng bố cụ thể thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 84 BLHS hoặc tội khủng bố quy định tại Điều 230a BLHS với vai trò là đồng phạm nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó. Nếu không biết trước, mà huy động, hỗ trợ tiền, tài sản để giúp cá nhân khủng bố bỏ trốn sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che dấu tội phạm quy định tại Điều 313 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
d. Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này cũng giống như chủ thể ở tội khủng bố đó là:
Người phạm tội có thể là công dân Việt Nam, công dân nước ngoài hay người không có quốc tịch, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định.
đ. Hình phạt:
Điều luật quy định một khung hình phạt với mức hình phạt từ năm năm đến mười năm. Áp dụng trong khung cấu thành cơ bản.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị quản chế, cấm cư trú một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VƯỚNG MẮC THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 230A, 230B VÀ KIẾN NGHỊ
Cho tới nay, tại Việt Nam cũng chỉ có số ít vụ án khủng bố chống chính quyền nhân dân được đưa ra xét xử, điển hình như năm 1985 tại tỉnh Hà Bắc cũ có vụ án Nguyễn Văn Điểm Giám đốc Công ty Ngoại thương huyện Lạng Giang đã có hành vi thuê người ném lựu đạn vào nhà đồng chí Mai Thúc Lân Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc nhằm đe dọa chống lại chủ trương thanh tra Công ty của Điểm do đồng chí Chủ tịch chỉ đạo. Còn tội khủng bố hay tài trợ khủng bố như quy định hiện hành chưa có vụ nào phải đưa ra xét xử (vì mới được bổ sung vào BLHS năm 2009). Song qua nghiên cứu quy định tại các Điều 84 BLHS “Tội khủng bố chống chính quyền nhân dân”, Điều 230a BLHS “Tội khủng bố”, Điều 230b BLHS “Tội tài trợ khủng bố” và Thông tư số 06/2012/TTLT/BCA - BQP - BTP -NHNNVN - VKSNDTC - TANDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ngày 05/5/2012 hướng dẫn cụ thể và chi tiết về tội khủng bố và tài trợ khủng bố, chúng tôi thấy có một số vướng mắc sau:
Thứ nhất: Dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội “khủng bố chống chính quyền nhân dân” và tội “khủng bố” chính là mục đích của tội phạm. Đối với quy định tại Điều 84 BLHS thì mục đích chính là chống chính quyền nhân dân còn đối với Điều 230a BLHS thì mục đích là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Song tại Thông tư số 06 có hướng dẫn “…Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà thực hiện hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a Bộ luật hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này”. Nếu trường hợp người nào đó, có hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy với mục đích nhằm chống lại chính quyền nhân dân thì xử lý theo điều luật nào? Điều 84 BLHS không có quy định về hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ!
Một vấn đề nữa là theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới và quy định tại các Công ước quốc tế về chống khủng bố thì hành vi khủng bố được thực hiện nhằm ba mục đích: Một là, gây hoảng loạn trong công chúng; Hai là, ép buộc chính quyền làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của bọn khủng bố; Ba là, ép buộc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm công việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố. Song hiện tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 mới chỉ ghi nhận một mục đích của hành vi khủng bố, đó là hành vi gây hoảng loạn trong công chúng, còn mục đích thứ hai là ép buộc chính quyền làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của bọn khủng bố có thể xử lý theo Điều 84 BLHS, song còn mục đích thứ ba là  “ép buộc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm công việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố” không biết xử lý theo điều luật nào?
Thứ hai: Về hành vi xâm phạm tính mạng của người khác và hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 230a, hiện quy định rất chung chung, không cụ thể rất khó vận dụng khi quyết định hình phạt. Có được hiểu hành vi xâm phạm tính mạng của người khác  tương tự như đối với hành vi giết người không? Trường hợp nào thì xử mười năm, trường hợp nào thì xử hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình. Hành vi phá hủy tài sản đến mức độ nào thì áp dụng các mức hình phạt tương ứng theo quy định tại khoản 1 của điều luật.
Về hành vi xâm phạm sức khỏe quy định tại khoản 2 điều luật cũng vậy có được áp dụng tương tự như đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 BLHS không ? Có cần phải căn cứ vào tỷ lệ thương tật để truy cứu trách nhiệm hình sự không ? Hiện theo chúng tôi hiểu, thì quy định đối với tội khủng bố, người phạm tội xâm phạm đến sức khỏe của người khác không nhất thiết phải gây ra thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, mà có thể chỉ gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của cá nhân dưới 11% cũng được coi là hành vi xâm phạm sức khỏe. Theo chúng tôi, nếu không quy định tỷ lệ thương tật để làm căn cứ xử lý thì sẽ dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện, không bảo đảm nguyên tắc công bằng.
Thứ ba: Đối với Điều 230b BLHS “Tội tài trợ khủng bố”, tại khoản  1 cũng không hề quy định về định lượng là không hợp lý mà cần có quy định về định lượng tối thiểu và tối đa trong cấu thành cơ bản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như làm căn cứ để quyết định khung hình phạt. Quy định như vậy không bảo đảm tính khả thi vì không lẽ một người nào đó tài trợ khủng bố 10.000đ cũng bị bỏ tù.
Thứ tư: Rất khó đánh giá về động cơ mục đích của người phạm tội trong tội tài trợ khủng bố và rất dễ nhầm lẫn về tội danh giữa tội tài trợ khủng bố với các tội phạm khác; giữa tội tài trợ khủng bố với tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” với vai trò giúp sức quy định tại Điều 84 BLHS.
Việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS năm 1999 đã tội phạm hóa hành vi “khủng bố” và hành vi “tài trợ khung bố” thành hai điều luật trong BLHS là hết sức cần thiết trong việc hợp tác chống khủng bố quốc tế hiện nay. Song để các quy định của luật đi vào cuộc sống và được thực thi một cách công bằng và nghiêm minh cũng như có đường lối áp dụng thống nhất, chúng tôi kiến nghị các Cơ quan thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn trong việc lượng hóa mức độ thiệt hại cũng như định lượng cụ thể trong nội dung của hai điều luật để có cơ sở áp dụng một cách thống nhất.
Theo chúng tôi, có thể áp dụng tương tự về hậu quả do hành vi phạm tội gây ra như các quy định về tội giết người theo điều 93 BLHS đối với hành vi xâm phạm tính mạng và theo Điều 104 BLHS đối với những hành vi xâm phạm thân thể. Về mức độ thiệt hại do hành vi phá hủy tài sản thì áp dụng tương tự những hướng dẫn đối với các tội xâm phạm sở hữu. Còn hành vi tài trợ khủng bố cũng cần có quy định mức tối thiểu có thể từ hai mươi triệu là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cần có hướng dẫn cụ thể về xác định động cơ mục đích của người tài trợ khủng bố, trong trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 230b BLHS, trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 84 BLHS hoặc 230a BLHS với vai trò đồng phạm giúp sức. Nếu theo quy định hiện hành thì phải chăng chúng ta không cần xem xét tới động cơ, mục đích của người tài trợ khủng bố.

Bộ luật hình sự cần tiếp tục sửa đổi theo hướng ghi nhận mục đích “ép buộc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm công việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố” vào tội khủng bố quy định tại Điều 230a BLHS, như vậy sẽ phù hợp với pháp luật quốc tế, pháp luật các nước trên thế giới đồng thời ghi nhận hết các dấu hiệu cấu thành tội khủng bố tại Điều 230a Bộ luật hình sự.

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn

Nội quy! Đóng lại Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!
More →
Chữ đậm Chữ nghiêng Chữ nghiêng 2 Chèn Link Chèn Link Mã hóa code Help ?Nhấn vào biểu tượng hoặc kiểu chữ hoặc chèn link sau đó nhấn nút Chọn rồi copy (Ctrl + C) để paste (Ctrl + V) vào khung viết bình luận. Mã hóa code nếu bạn muốn đưa code vào bình luận.

Chọn Xóa

nhãn totunghinhsu

THÔNG TIN TỐ TỤNG HÌNH SỰ