Đang tải dữ liệu...
Chuyên đề 6: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ÁN PHÍ HÌNH SỰ VÀ ÁN PHÍ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ - Thẩm Phán 13 Lớp B (thamphan13) /* Menu Horizontal top*/

Tạo banner chạy dọc hai bên

hinhlop1

hinhlop


Download Hình

Tiện ích bài đăng có ảnh thumbnail chạy ngang

Chuyên đề 6: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ÁN PHÍ HÌNH SỰ VÀ ÁN PHÍ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

bookmark and share |

Bài đăng ngày:29 thg 5, 2013


Vấn đề án phí hình sự và án phí dân sự trong vụ án hình sự đã được quy định cụ thể trong Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) và  Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13-6-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án (sau đây gọi tắt là Nghị quyết). Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, một số nội dung còn có nhiều cách hiểu khác nhau cần phải nghiên cứu, xem xét và thống nhất áp dụng.

I. CHẾ ĐỘ ÁN PHÍ HÌNH SỰ VÀ ÁN PHÍ DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO QUY ĐỊNH TẠI PHÁP LỆNH VÀ NGHỊ QUYẾT
1. Các loại án phí trong vụ án hình sự và mức án phí
Theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh thì án phí trong vụ án hình sự gồm 4 loại:
- Án phí hình sự sơ thẩm;
- Án phí hình sự phúc thẩm;
- Án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự, bao gồm án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch (phân biệt án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự và án phí dân sự sơ thẩm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong vụ án hình sự có giải quyết vấn đề cấp dưỡng được quy định tại Điều 14 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTPTANDTC);
- Án phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự.
Về mức án phí: Theo quy định của Pháp lệnh thì mức án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và án phí dân sự phúc thẩm đối với kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự đều chung một mức là 200.000 đồng. Đối với mức án phí dân sự có giá ngạch được chia thành nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào giá trị của tài sản Tòa án giải quyết trong vụ án hình sự. Có thể xem bảng về mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch sau đây:





Giá trị tài sản có tranh chấp
Mức án phí
a) Từ 4.000.000 đồng trở xuống
200.000 đồng
b) Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng
5% giá trị tài sản có tranh chấp
c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng
20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng
36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng
72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
e) Từ trên 4.000.000.000 đồng
112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.

2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh thì: Bị cáo và các đương sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm, tiền tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm và tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. Các đương sự trong vụ án hình sự kháng cáo về phần dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bằng mức án phí dân sự phúc thẩm là 200.000 đồng. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm là 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Pháp lệnh không quy định rõ nếu bị cáo (có được xác định là đương sự không) kháng cáo phần dân sự sơ thẩm thì có phải đóng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm không? Nếu bị cáo làm đơn kháng cáo phần dân sự sơ thẩm nhưng không đóng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm thì Tòa án giải quyết như thế nào? Để giải thích rõ hơn quy định của Pháp lệnh, khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết đã quy định các đương sự trong vụ án hình sự bao gồm người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Và khoản 2 Điều 8: “Trong mọi trường hợp, bị cáo kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm”.

3. Nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hình sự
3.1. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự
Trách nhiệm chịu án phí hình sự được quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
“1. Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật.
2. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án.
3. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại phải trả án phí”.
Như vậy, quyết định người bị kết án có trách nhiệm chịu án phí vừa khẳng định người này phải có nghĩa vụ đối với nhà nước, cùng với nhà nước chịu các chi phí trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vừa có tác động để người này nhận thấy sai lầm của mình trong việc thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại về sức người, sức của cho nhà nước và cho những người khác. Nhà nước chịu trách nhiệm trả án phí theo các quy định của pháp luật.
Theo quy định của Điều 22 Pháp lệnh thì: Những người có nghĩa vụ phải chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự là:
- Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.
- Người bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (là các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự), nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự (trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ).
- Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh.
Trong vụ án hình sự, người không thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ hoặc một phần tiền án phí thì về nguyên tắc chung họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh, cụ thể như sau:
1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
7. Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương xứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.
8. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
9. Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
10. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
11. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí quy định.
12. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Nhưng nếu trước phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại kể cả trường hợp họ tự thỏa thuận và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
13. Trong vụ án không có người phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định Điều này.
Khi áp dụng quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự nêu trên thì cần phân biệt một số trường hợp cụ thể như hướng dẫn tại Nghị quyết như sau:
- Trường hợp 1: người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản nhưng thực tế chứng minh tài sản bị cáo xâm phạm có giá trị thấp hơn giá trị tài sản khai báo thì án phí dân sự sơ thẩm được tính đối với phần tài sản chứng minh được;
Ví dụ 1: người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là 03 chỉ vàng nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh bị cáo chỉ chiếm đoạt của người bị hại là 02 chỉ vàng, Tòa án buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho người bị hại là 02 chỉ vàng thì bị cáo chỉ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản là 02 chỉ vàng, người bị hại cũng không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản là 01 chỉ vàng không được chấp nhận. Tuy nhiên, hầu hết trong các vụ án hình sự về các tội xâm phạm sở hữu như tội trộm cắp tài sản hoặc tội cướp giật tài sản thì người bị hại rất khó để chứng minh tài sản bị mất của mình gồm những gì, có thể người bị hại khai thật nhưng cũng có thể khai không thật. Ngược lại, bị cáo cũng có thể khai báo thành khẩn hoặc khai báo không thành khẩn. Lời khai của người bị hại cũng như lời khai của bị cáo mang tính chất chủ quan, không thể giám định được. Vì vậy, trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan điều tra để làm căn cứ lượng hình khi xét xử và khi tính án phí chứ không thuộc người bị hại.
Ví dụ 2: người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là 03 chỉ vàng trị giá 12.000.000 đồng nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh bị cáo chỉ chiếm đoạt của người bị hại là 03 chỉ vàng trị giá 8.000.000 đồng ở thời điểm xét xử sơ thẩm, thì bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 03 chỉ vàng trị giá 8.000.000 đồng; người bị hại cũng không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần 4.000.000 đồng không được chấp nhận.
- Trường hợp 2: người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh tài sản bị cáo xâm hại có giá trị cao hơn giá trị tài sản khai báo thì án phí dân sự sơ thẩm được tính đối với phần tài sản chứng minh được;
Ví dụ: người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là 03 chỉ vàng trị giá 8.000.000 đồng nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh bị cáo chỉ chiếm đoạt của người bị hại là 03 chỉ vàng trị giá 12.000.000 đồng ở thời điểm xét xử sơ thẩm, thì bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 03 chỉ vàng trị giá 12.000.000 đồng.
- Trường hợp 3: người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật nhưng không yêu cầu một số tiền hoặc tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
Trong trường hợp này, người bị hại có yêu cầu chung chung là bồi thường nhưng không nêu cụ thể số tiền phải bồi thường là bao nhiêu hoặc giá trị tài sản phải bồi thường là bao nhiêu và yêu cầu của họ cũng không được Tòa án chấp nhận thì họ đương nhiên không phải nộp án phí đối với phần yêu cầu này.
Đối với trường hợp người bị hại đã yêu cầu bị cáo bồi thường một số tài sản bị mất nhưng không chứng minh được số tài sản này là có thật thì người bị hại có phải nộp án phí dân sự tương ứng với tỉ lệ giá trị tài sản đã yêu cầu bị cáo bồi thường nhưng bị tòa án bác hay không thì chưa có hướng dẫn.
- Trường hợp 4: người bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp với quy định của pháp luật thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
Ví dụ: Trường hợp người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với khoản chi phí thuê luật sư không hợp lý thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu thì họ phải chịu án phí đối với khoản chi phí luật sư nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
Chú ý, nếu trước phiên tòa, đương sự, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại kể cả trường hợp họ tự thỏa thuận và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó (Điều 9 Nghị quyết).
3.2. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 23 của Pháp lệnh và hướng dẫn cụ thể tại Điều 10 của Nghị quyết thì nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hình sự được quy định như sau:
1. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm.
Trường hợp cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo đều có kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm thì chỉ bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể nếu sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo là người chưa thành niên có kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm và người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên cũng kháng cáo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, bị cáo lại không có tài sản riêng để nộp án phí thì người đại diện hợp pháp của bị cáo trường hợp này có phải nộp án phí hình sự phúc thẩm không? Thực tế việc thu án phí của người bị kết án là rất khó khăn do người nộp án phí hình sự phúc thẩm đã bị kết án và đang thi hành án.
Trường hợp chỉ bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm thì người kháng cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
2. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự và phần dân sự của bản án sơ thẩm phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm.
Trường hợp bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về dân sự hoặc bị cáo kháng cáo quyết định về dân sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự  mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm thì người nào kháng cáo về phần nào thì phải chịu án phí đối với yêu cầu của họ.
3. Người bị hại kháng cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội.
4. Người kháng cáo phần quyết định về dân sự của bản án hình sự sơ thẩm phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 30 (Nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm) của Pháp lệnh.
5. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án thì người kháng cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
6. Người kháng cáo rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
7. Người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận.
Trường hợp bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về dân sự hoặc bị cáo kháng cáo quyết định về dân sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự mà Tòa án quyết định sửa quyết định về hình sự hoặc sửa quyết định về dân sự hoặc sửa cả quyết định về hình sự và quyết định về dân sự thì không có người kháng cáo nào phải chịu án phí phúc thẩm.
Trường hợp chỉ có một người kháng cáo và yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận thì người kháng cáo cũng không phải chịu án phí phúc thẩm.
4. Chế độ miễn tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự
4.1. Điều kiện miễn toàn bộ, miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự
Theo quy định của Pháp lệnh thì: Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục phúc thẩm không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự (khoản 4, Điều 10). Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo (là các đương sự trong vụ án hình sự, bị cáo) theo quy định của Chính phủ và người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự (khoản 5 và 6 Điều 11).
 Để thực hiện thống nhất quy định này, Nghị quyết đã hướng dẫn: Được coi là cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo quy định tại khoản 5 Điều 11 và Điều 13 của Pháp lệnh, nếu vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ án hình sự thì họ thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ. Việc xác định họ có thuộc diện hộ nghèo hay không phải căn cứ vào quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-01-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 (Điều 4). Điều 1 của Quyết định này quy định tiêu chuẩn hộ nghèo như sau:
          - Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống;
          - Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.
          Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là tiêu chuẩn xét hộ nghèo của cơ quan có thẩm quyền. Thực tế để xác định cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo, Tòa án phải căn cứ vào sổ hộ nghèo đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, hộ gia đình đó.
Về điều kiện miễn một phần án phí, Điều 14 Pháp lệnh quy định, người có khó khăn về kinh tế (là các đương sự trong vụ án hình sự, bị cáo) được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Toà án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự (khoản 1 Điều 14). Để thực hiện thống nhất quy định này, Nghị quyết đã có hướng dẫn cụ thể, theo đó điều kiện được miễn một phần án phí:
- Người có khó khăn về kinh tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh phải là người có quốc tịch Việt Nam hoặc người không có quốc tịch nhưng sinh sống và làm việc ở Việt Nam vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ án hình sự;
- Người có khó khăn về kinh tế phải được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận là họ có khó khăn về kinh tế.
Lưu ý, trong vụ án hình sự chỉ có bị cáo, đương sự là cá nhân có khó khăn về kinh tế mới được xem xét miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí. Đương sự trong vụ án hình sự là tổ chức thì không được xem xét miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí.
Trường hợp Tòa án đã cho người có khó khăn về kinh tế được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, nhưng họ vẫn phải chịu toàn bộ án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tòa án đã cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, nhưng sau đó chứng minh được người được miễn nộp đó không phải là người có khó khăn về kinh tế;
- Theo bản án, quyết định của Tòa án thì họ có tài sản để nộp toàn bộ án phí mà họ phải chịu (họ được chia tài sản chung, được hưởng di sản thừa kế..) (Điều 5).
Trường hợp vụ án có nhiều người phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì cần phân biệt:
- Người thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì được miễn; người không thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì không được miễn;
- Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc nộp án phí, lệ phí để nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nếu có người thỏa thuận nộp thay án phí, lệ phí và có đơn đề nghị miễn nộp một phần án phí, lệ phí thì Tòa án chỉ cho miễn nộp một phần án phí, lệ phí mà theo quy định người này phải chịu nếu họ có đủ điều kiện quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh; còn phần án phí, lệ phí mà họ nhận nộp thay cho người khác thì Tòa án không cho miễn nộp.
          Về mức tiền được miễn, Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết quy định, Khi xem xét và quyết định mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án được miễn, thì Tòa án căn cứ khả năng tài chính của người đề nghị được miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án và giá trị tài sản có tranh chấp mà quyết định mức được miễn nhưng không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án mà theo quy định của Pháp lệnh người đó phải nộp.
4.2. Thủ tục đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự và án phí dân sự trong vụ án hình sự
 Theo quy định tại Điều 15 Pháp lệnh thì người đề nghị được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình thuộc trường hợp được miễn. Đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự;
d) Xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc đối với trường hợp người có khó khăn về kinh tế.
Nếu người đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự là cá nhân thuộc diện hộ nghèo thì người đó phải nộp cho Tòa án Bản sao công chứng sổ hộ nghèo kèm theo đơn đề nghị.
4.3. Thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự
Theo quy định của Pháp lệnh thì trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn án phí cho đương sự có yêu cầu. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án (Điều 16).
4.4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự
Theo quy định của Pháp lệnh thì Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn nộp một phần, miễn nộp toàn bộ án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 19).

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý
1. Trong mọi trường hợp, bị cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh thì bị cáo trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm, tiền tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm và tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và khoản 3 Điều 8 Nghị quyết quy định: “Trong mọi trường hợp, bị cáo kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm”. Như vậy, bị cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí, kể cả trường hợp bị cáo đồng thời là bị đơn dân sự và có kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự.
2. Về nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm của người đại diện hợp pháp của bị cáo
Theo quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự, người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Về nguyên tắc, người có quyền kháng cáo đã kháng cáo phần quyết định hình sự hoặc phần dân sự trong bản án hình sự mà Tòa án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên thì người kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm. Tuy nhiên, người đại diện hợp pháp của bị cáo chỉ phải nộp án phí trong trường hợp chỉ mình người đại diện hợp pháp kháng cáo quyết định hình sự hoặc quyết định về dân sự trong vụ án hình sự của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên quyết định đó. Người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo phần nào thì sẽ chịu án phí đối với phần đó (Điều 23 Pháp lệnh, Điều 10 Nghị quyết). Trường hợp, cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo phần hình sự mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên, thì chỉ mình bị cáo phải chịu án phí phúc thẩm.
3. Nghĩa vụ chịu án phí của người bị hại
Ngoài các trường hợp người bị hại phải chịu án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm trong vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Khoản 2 Điều 22 và Khoản 3 Điều 23 Pháp lệnh, thì người bị hại còn có thể phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 9 Nghị quyết.
Người bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp với quy định của pháp luật thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
Tòa án phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng, cặn kẽ cho người bị hại biết pháp luật quy định nếu họ yêu cầu bồi thường về những khoản không phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu đó không được chấp nhận thì phải chịu án phí; và yêu cầu bị hại suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định có yêu cầu hay không.
4. Pháp lệnh và Nghị quyết chưa quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của người bào chữa.
Theo quy định tại Điều 58 và Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bào chữa cũng có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Tuy nhiên, Pháp lệnh và Nghị quyết không quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí. Vậy khi người bào chữa kháng cáo thì có phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm hay không? Vấn đề này cần được xem xét hướng dẫn cụ thể. Tại thời điểm hiện tại, khi Pháp lệnh không có quy định và Nghị quyết cũng không hướng dẫn áp dụng, người bào chữa kháng cáo bản án sơ thẩm sẽ không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
5. Về thủ tục xin miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí của người có khó khăn về kinh tế
 Người có khó khăn về kinh tế muốn được miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí phải làm gửi cho Tòa án đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí, án phí kèm theo xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
Vấn đề đặt ra là trường hợp người có khó khăn về kinh tế đã được xét giảm một phần án phí sơ thẩm, sau đó người đó kháng cáo bản án sơ thẩm, thì Tòa án sẽ căn cứ vào đơn  trước đó người đó đã nộp để xét miễn một phần tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm hay yêu cầu họ phải làm lại thủ tục xin miễn tiền tạm ứng án phí, án phí.
Ngoài ra, về việc làm thủ tục xin miễn một phần tạm ứng án phí, án phí của bị cáo, thì đối với bị cáo được tại ngoại có thể tự mình làm đơn và xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Nhưng đối với bị cáo bị tạm giam không thể tự mình xin xác nhận là người có khó khăn về kinh tế được. Trong trường hợp này, người nhà của bị cáo có thể làm thay thủ tục xin xác nhận được hay không? Vấn đề này hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể.
6. Lưu ý về xác định nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 23 của Pháp lệnh, người kháng cáo phần quyết định về dân sự của bản án hình sự sơ thẩm phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh. Khi áp dụng quy định này cần chú ý: trong vụ án hình sự có giải quyết cả phần dân sự nhưng không có khái niệm “yêu cầu phản tố của bị đơn”. Trường hợp thực tế giải quyết phát sinh yêu cầu của bị đơn, tức là nội dung phần dân sự có phức tạp, Tòa án sẽ tách riêng thành một vụ án dân sự để giải quyết.
Do đó, khi xác định nghĩa vụ nộp án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hình sự lưu ý không áp dụng Khoản 5 Điều 30 Pháp lệnh.


Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn

Nội quy! Đóng lại Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!
More →
Chữ đậm Chữ nghiêng Chữ nghiêng 2 Chèn Link Chèn Link Mã hóa code Help ?Nhấn vào biểu tượng hoặc kiểu chữ hoặc chèn link sau đó nhấn nút Chọn rồi copy (Ctrl + C) để paste (Ctrl + V) vào khung viết bình luận. Mã hóa code nếu bạn muốn đưa code vào bình luận.

Chọn Xóa

nhãn totunghinhsu

THÔNG TIN TỐ TỤNG HÌNH SỰ